Truy cập nội dung luôn

Di tích Điểm cập bến Tàu không số (C43B) tại Bãi biển Qui Thiện

21/10/2021 15:10    1250

Di tích Điểm cập bến Tàu không số (C43B) tại bãi biển Qui Thiện thuộc xóm 32, thôn Qui Thiện, xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ. Đây là một trong những di tích gắn với “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, là địa điểm lưu niệm, ghi dấu sự kiện các chiến sĩ trên con tàu mang mật danh C43B đã chiến đấu quyết liệt, hi sinh anh dũng không để tàu và vũ khí rơi vào tay địch. Di tích còn thể hiện sự đùm bọc, cưu mang, che chở, không quản ngại hiểm nguy, gian khổ để bảo vệ các chiến sĩ Tàu không số của nhân dân thôn Qui Thiện, xã Phổ Khánh; thể hiện tình đồng đội giữa cán bộ quân y Bệnh xá Đức Phổ với các chiến sỹ Tàu không số, đặc biệt là tình cảm của Anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm với các thủy thủ.

Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh Điểm cập bến Tàu không số (C43B) ngày 25/11/2016

Tàu không số, mật danh C43B thuộc Đoàn vận tải biển 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân (với tên gọi “Đoàn tàu không số”) được Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng thành lập ngày 23/10/1961.

Ngày 28 tháng 12 năm 1967, Bộ Chính trị họp quyết định tổng công kích và tổng khởi nghĩa, giành thắng lợi quyết định cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Tháng 01 năm 1968, Hội nghị lần thứ 14 Ban chấp hành Trung ương Đảng thông qua Nghị quyết Bộ Chính trị về mở cuộc tiến công chiến lược năm 1968. Để đảm bảo vũ khí cho quân và dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Bộ Tư lệnh Quân chủng chỉ đạo Đoàn 125 chuẩn bị các tàu C165, C235, C56, C68 và C43B sẵn sàng làm nhiệm vụ vận chuyển chi viện chiến trường trong thời điểm đặc biệt này. Trước đó, ngày 14 tháng 3 năm 1967, trong chuyến chở hàng vào Sa Kỳ (Quảng Ngãi) gặp địch, đội tàu C43B đã chiến đấu anh dũng và buộc phải hủy tàu để đảm bảo bí mật, sau đó các thủy thủ theo đường bộ trở lại đơn vị và đội được nhận tàu mới, mang số hiệu C43B.

Rạng sáng ngày 27 tháng 2 năm 1968, từ cảng A3 (Hải Khẩu, Hải Nam, Trung Quốc) tàu C43B chở 37 tấn vũ khí vào bến An Thổ, xã Phổ An. Tàu có 17 cán bộ, chiến sĩ gồm thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng, Chính trị viên Trần Quốc Tuấn, 2 thuyền phó Nguyễn Xuân Thơm và Nguyễn Văn Đức; 3 chiến sĩ cơ điện là Nguyễn Đăng Năm, Nguyễn Trọng Tài, Nguyễn Thành Thoảng; 2 báo vụ: Phan Đình Thọ, Huỳnh Ngọc Hoa và 8 thủy thủ: Võ Nho Tòng, Nguyễn Xuân Nghinh, Trần Hương Hóa, Lê Văn Quý, Vũ Văn Hoành, Vũ Văn Ruệ, Phạm Văn Kiểm, Lưu Công Hào. Mọi cán bộ, chiến sĩ đều biểu lộ ý chí và quyết tâm thực hiện nhiệm vụ rất cao.

Theo kế hoạch, tối ngày 27/2/1968, tàu C43B xuất phát sau khi vượt qua được các tuyến phong tỏa của địch. Khi còn cách bờ 20 hải lý, có 4 tàu địch bí mật vây chặn phía sau, đồng loạt bắn pháo sáng, sáng rực cả một vùng biển, tàu C43B buộc phải chạy về phía nam nhằm dãy núi cao để lao tàu vào bờ, đến địa phận thôn Qui Thiện, xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ (nay là thị xã Đức Phổ) lúc 0 giờ 50 phút ngày 01 tháng 03 năm 1968. Chỉ huy tàu C43B phát lệnh chiến đấu và tiêu hủy tài liệu. Lúc này thuyền trưởng đứng trên đài chỉ huy quan sát sẵn sàng phát lệnh nổ súng. Sau khi địch bắn pháo sáng khoảng 15 - 20 phút, đạn pháo từ 4 chiến hạm ở phía sau bắn tấp nập vào tàu 43, khi pháo địch vừa dứt thì lập tức từ mạn phải xuất hiện 10 tàu cao tốc, mỗi đợt hai chiếc lao vào tấn công. Ta bình tĩnh cơ động tàu, bí mật chờ địch vào cách tàu 200m rồi 150m, trên đài chỉ huy ra lệnh bắn. Lập tức các loại súng của ta nhã đạn chính xác diệt một tàu địch ngay loạt đạn đầu, bắn bị thương hai chiếc khác trong các đợt tấn công sau. Cuộc chiến đấu diễn ra gần 1 giờ. Đến đợt pháo kích thứ 3 của địch, hai đồng chí Vũ Văn Ruệ, Võ Nho Tòng trúng đạn hi sinh.

Tiếp theo có 3 máy bay trực thăng HU1A bay đến, địch bắn súng máy cực nhanh, đạn trút xuống như mưa, chỉ huy lệnh 12,7 ly bắn trả chính xác trúng một chiếc đâm đầu xuống biển, bắn rơi 2 chiếc khác trong các đợt tấn công sau của địch. Vừa bắn trả chính xác vừa cơ động tàu, dùng bom chìm và bộc phá đánh chặn địch, tiếp tục lao tàu vào hướng bờ, đến 4 giờ 30 ngày 01/3/1968 tàu 43 đã lao được vào gần bờ sau khi chiến đấu liên tục hơn 3 giờ trên biển. Chỉ huy tàu ra lệnh đưa thương binh, liệt sỹ rời tàu vào bờ trước, tổ hỏa lực bám trụ bắn trả tiêu diệt địch đồng thời đưa một bộ phận hỏa lực vào bờ chiếm địa hình có lợi bắn yểm trợ tổ đánh bộc phá hủy tàu. Lúc bơi vào bờ, đồng chí Phan Văn Kiểm (Rãi) trúng đạn bị sóng to nhận chìm, hi sinh.

Địa điểm được chọn khoanh vùng bảo vệ của di tích Điểm cập bến Tàu không số (C43B) tại Bãi biển Qui Thiện, xã Phổ Khánh

14 đồng chí còn lại khẩn trương tập hợp nhanh chóng vào bờ, bắt được liên lạc với địa phương. Các đồng chí được du kích và nhân dân thôn Qui Thiện cấp cứu, bảo vệ, đưa về hầm bí mật che dấu, tránh được sự càn quét truy lùng của địch suốt 4 - 5 ngày liền. Bà con nhân dân thôn Qui Thiện thương bộ đội, đem cho các đồng chí từ miếng bánh đúc, miếng cá khô, quả dừa, quả bí... Một tuần sau, du kích địa phương cùng với quân chủ lực vừa chiến đấu, vừa nghi binh địch, đưa toàn bộ cán bộ, chiến sĩ tàu C43B đang bị thương vượt qua ấp chiến lược, vượt qua con đường Quốc lộ 1 để lên Phổ Cường, xuyên rừng lên vùng căn cứ Ba Tơ. Phải mất 3 lần vận chuyển dưới sự kiểm soát chặt chẽ của kẻ thù, đến khoảng 13 giờ ngày 07/3/1968, nhân dân và du kích thôn Qui Thiện mới đưa được 14 cán bộ và thủy thủ tàu C43B tới Bệnh xá Đức Phổ (thôn Đồng Răm, xã Ba Khâm, huyện Ba Tơ) do bác sĩ Đặng Thùy Trâm phụ trách. Mặc dù bệnh xá vừa chuyển đến địa điểm mới thiếu thốn mọi bề, thiếu thuốc men, thiếu ăn, thiếu mặc…, phải đối mặt với muôn vàn khó khăn nhưng bác sĩ Đặng Thùy Trâm vẫn vững vàng chèo lái, đảm bảo cho bệnh xá bám trụ để phục vụ cho thương binh, phục vụ nhân dân. Do bị thương nặng và kiệt sức nên các thủy thủ được điều trị và nghỉ dưỡng ở bệnh xá Đức Phổ hơn 1 tháng. Sau hơn ba tháng trèo đèo, lội suối trên đường Trường Sơn, vượt qua bom đạn địch và sốt rét, đoàn thủy thủ tàu C43B đã trở về đơn vị, tiếp tục nhận nhiệm vụ mới. 

Với những đóng góp của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tập thể đơn vị tàu C43B đã vinh dự được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang vào tháng 10 năm 2011.

Vị trí tàu C43B buộc phải phá hủy vào đêm ngày 01/3/1968 cách bờ khoảng 100m, ở độ sâu khoảng 10m. Các mảnh vỡ của xác tàu văng khắp nơi, bị chôn vùi trong cát. Địa điểm được chọn khoanh vùng bảo vệ di tích Điểm cập bến Tàu không số (C43B) thuộc bãi biển Qui Thiện, xóm 32, xã Phổ Khánh, hiện chỉ tồn tại dưới dạng địa điểm lịch sử, chưa được xây dựng bia di tích.

Để ghi dấu sự kiện trên, ngày 02/8/2016, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định số 1375/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh cho di tích Điểm cập bến tàu không số (C43B) tại bãi biển Qui Thiện, xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ Di tích Điểm cập bến Tàu không số (C43B) tại bãi biển Qui Thiện đã trở thành địa danh lịch sử gắn với “đường Hồ Chí Minh trên biển” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; có giá trị giáo dục, bồi dưỡng truyền thống cách mạng cho lớp lớp thanh niên Việt Nam về thế hệ cha anh đã làm nên con đường huyền thoại trên Biển Đông; tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ hôm nay tiếp tục chiến đấu, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thân yêu của Tổ quốc./.

Hoài Tâm – Trung tâm TT-VH-TT thị xã Đức Phổ

Tài liệu đính kèm: DI TICH DIEM CAP BEN TAU 43.doc