Truy cập nội dung luôn

Di tích lịch sử cấp tỉnh Chùa Từ Sơn

29/09/2021 13:57    1801

Chùa Từ Sơn tọa lạc trên núi Gò Gai, thôn Hiệp An, xã Phổ Phong, thị xã Đức Phổ. Chùa được xây dựng trên trảng đất bằng ở đỉnh núi, dân gian gọi là “Hòn núi lành”. Đây là một trong những ngôi chùa cổ của dòng Thiền Phái Lâm Tế ở Quảng Ngãi được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX, tên chữ Hán là “Từ Sơn Linh Tự” do dòng họ Lữ và thầy Trương Thi (pháp danh Thích Pháp Huệ) khai sơn kiến lập.

Bên cạnh giá trị là nơi danh lam cổ tự thâm nghiêm, chùa Từ Sơn còn gắn liền với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, vùng núi Gò Gai được bao phủ bởi rừng cây cổ thụ lại có ngôi chùa được xây dựng biệt lập, đồng thời đường lên chùa là con đường độc đạo dễ bề kiểm soát nên chùa Từ Sơn được chọn làm địa điểm hoạt động bí mật của lực lượng Việt Minh trong cao trào đấu tranh tiền khởi nghĩa (1939 - 1945), góp phần quan trọng cho sự hình thành phát triển căn cứ Vực Liêm, cũng như thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 trên địa bàn Đức Phổ.

Từ đầu năm 1945, chùa trở thành địa điểm liên lạc, nơi hội họp thường xuyên, đồng thời là nơi cất giữ những tài liệu quan trọng của lực lượng Việt Minh. Việc đào hầm (địa đạo) để làm nơi trú ẩn, phòng tránh bom đạn và là công sự chiến đấu chống quân thù đã được triển khai rộng khắp. Hầm trú ẩn được các Tăng ni, Phật tử và Nhân dân ngày đêm ra sức đào ngay trong khuôn viên Chùa. Hầm được đào âm trong lòng đất, đường đi lại trong hầm rộng gần 1m, chiều cao trung bình từ đáy đến nóc hơn một tầm người, cách khoảng 20m đến 30m có một lỗ thông hơi xuyên qua nóc hầm. Hầm ngầm trú ẩn còn là nơi chứa lương thực dự trữ, có giếng nước, có nơi làm việc, nơi tránh địch hun khói. Những hầm ngầm này tồn tại cho đến thời kì Nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây là công trình tốn nhiều công sức, bằng lòng quyết tâm kháng chiến của nhân dân Phổ Phong và tăng ni, phật tử chùa Từ Sơn.

(nguồn: Lý lịch di tích lịch sử Chùa Từ Sơn)

Sau khi giành chính quyền năm 1945, diệt giặc dốt được xác định là nhiệm vụ cấp bách. Đảng bộ và chính quyền xã Phổ Phong phát triển phong trào “Bình dân học vụ” nhằm giúp cho mọi người dân đều biết chữ. Ban bình dân học vụ Chùa Từ Sơn cũng được thành lập do thầy Nguyễn Hữu Môn pháp danh Hòa Thượng Thích Minh Hải làm trưởng ban. Giáo viên là những đảng viên, cán bộ, các sư thầy ở chùa và những người đã biết chữ tự nguyện hướng dẫn cho những người chưa biết chữ. Tuy điều kiện học tập còn nhiều khó khăn, giấy viết, bút mực, đèn dầu thiếu thốn, lớp học tạm bợ, người dạy, người học phải lao động, công tác và tập luyện sẵn sàng chiến đấu, nhưng tất cả mọi người đều hăng hái tham gia học tập, coi đó là nhiệm vụ cách mạng, lớp học tổ chức ngày càng đông học viên. Đến năm 1949 và những năm tiếp theo, địa phương Phổ Phong đã căn bản xóa nạn mù chữ cho Nhân dân và trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu trong phong trào toàn huyện.

Bước sang năm 1952, thực dân Pháp tăng cường chính sách bao vây, xâm chiếm phá hoại vùng tự do, hậu phương của cuộc kháng chiến. Chúng mở nhiều cuộc tiến công, đánh phá, cướp bóc tài sản của Nhân dân. Với tinh thần nhường cơm xẻ áo, chi bộ và chính quyền xã vận động Nhân dân kẻ ít người nhiều góp thóc, gạo, mì, khoai, tiền bạc cứu đói. Các hội đoàn thể, trong đó chùa Từ Sơn làm nòng cốt chịu trách nhiệm vận động Nhân dân giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, khó khăn với tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách. Nhờ thực hiện tích cực những biện pháp chống đói, nên nạn đói dần dần được đẩy lùi.

Trong những năm 1965 – 1969, chùa Từ Sơn tiếp tục là địa chỉ đỏ, là cơ sở cách mạng đặc biệt tin cậy cho quần chúng nhân dân và cán bộ đảng viên đứng chân ở địa bàn, làm nòng cốt cho phong trào gây dựng cơ sở, bám sát dân để tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân đấu tranh. Số cán bộ này được nhà chùa và nhân dân hết lòng thương yêu, che chở, nuôi dưỡng bảo vệ với tất cả niềm tin son sắc: Cán bộ còn, bộ đội còn, cách mạng còn, quê hương được giải phóng.

Năm 1969 là năm địch phản kích điên cuồng nhất kể từ sau thất bại Tết Mậu Thân. Bằng những thủ đoạn tàn bạo nhất, chúng đã gây cho Nhân dân những tổn thất không thể nào kể xiết. Chùa Từ Sơn cũng bị pháo Mỹ đánh sập góc chùa. Chúng bắn chết 2 dân thường, kéo xác 2 người này xuống ngã ba Thạch Trụ (Mộ Đức) phơi nắng, hòng làm cho nhân ta khiếp sợ và quy phục chúng. Nhưng nhân dân ta không hề chịu khuất phục mà vô cùng căm phẫn trước sự tàn bạo của kẻ thù. Hàng ngàn người dân đổ xuống đường biểu tình, đấu tranh chính trị, dẫn đầu đoàn biểu tình là thầy Nguyễn Bộ và các Tăng ni, Phật tử chùa Từ Sơn. Đoàn biểu tình đấu tranh đòi quyền sống, quyền tự do cho nhân dân, yêu cầu đòi bồi thường nhân mạng, đòi chôn cất chu đáo cho những người mà chúng vô cớ sát hại. Thầy Nguyễn Bộ (Từ Trung đại sư) trụ trì chùa Từ Sơn, đã viết đơn gửi quận trưởng Đức Phổ kêu kiện lính Mỹ ở đồn núi Thụ bắn pháo sập góc chùa, yêu cầu bồi thường. Với sự đấu tranh và lý lẽ sắc bén, thấu tình đạt lý, cuối cùng bọn Mỹ phải chịu bồi thường 300.000 đồng bạc tiền Sài Gòn để sửa chữa lại chùa.

Từ ngôi Chùa này, các đồng chí cán bộ Cách mạng đã xâm nhập vào giới Phật giáo, đã cảm hóa được các nhà sư và phật tử, đã đẩy mạnh được phong trào đấu tranh của Phật giáo đòi hòa bình, chống chiến tranh, chống chế độ Mỹ - Ngụy, ủng hộ cách mạng, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.

Chùa Từ Sơn hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật rất có giá trị như: 03 Sắc phong của các vua triều Nguyễn; 01 Tượng Võ Quan bằng đồng; 01 Mộc bản in kinh Phật thời Nguyễn; 01 Đại hồng chung bằng đồng đúc thời vua Khải Định năm thứ 9 (1924); Bản điệp qui y của thiền sư Nguyễn Định, ….

Với những giá trị về mặt lịch sử và văn hóa, chùa Từ Sơn đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh tại Quyết định số 882/QĐ-UBND ngày 19/6/2014.

(nguồn: Lý lịch di tích lịch sử Chùa Từ Sơn)

Chùa Từ Sơn không chỉ là công trình kiến trúc cổ được xây dựng từ lâu đời mà còn là di tích có giá trị lịch sử, góp phần giáo dục về tinh thần chịu đựng thử thách gian khổ, sẵn sàng hi sinh, kiên trì trụ bám chiến đấu bảo vệ quê hương vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Từ đó nâng cao lòng tự hào cho thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh cách mạng, ra sức học tập xây dựng quê hương Đức Phổ ngày càng ấm no, hạnh phúc, đáp ứng hoài bão của các thế hệ cha anh đã sống, chiến đấu cho độc lập, tự do và hạnh phúc của quê hương./.

Hoài Tâm – Trung tâm TT-VH-TT thị xã Đức Phổ

Tài liệu đính kèm: DI TÍCH CHÙA TỪ SƠN.doc

Tin liên quan