Truy cập nội dung luôn

Di tích lịch sử cách mạng Cuộc biểu tình chiếm Huyện Đường Đức Phổ (Di tích cấp QG theo QĐ số 985-QĐ/VH ngày 7/5/1997)

20/07/2021 10:35    1826

Ngày 03 tháng 02 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã kịp thời lãnh đạo Nhân dân ta vùng lên đấu tranh chống thực dân xâm lược và phong kiến tay sai. Cao trào cách mạng đã diễn ra trên nhiều tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt mạnh mẽ từ ngày Quốc tế Lao động (ngày 01 tháng 5 năm 1930).

Di tích lịch sử: Cuộc biểu tình chiếm Huyện đường ngày 08 tháng 10 năm 1930

Ở Quảng Ngãi, tháng 3 năm 1930 đồng chí Nguyễn Nghiêm đã triệu tập đại biểu các huyện về làng Tân Hội để truyền đạt nghị quyết thống nhất Đảng trong toàn quốc, đồng thời tuyên bố chính thức thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên của Đảng bộ Quảng Ngãi. Đồng chí Nguyễn Nghiêm được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời. Sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi đánh dấu bước ngoặc lịch sử rất quan trọng trong đời sống chính trị của Nhân dân trong tỉnh. Lần lượt sau đó, các tổ chức Đảng được thành lập ở nhiều huyện trong tỉnh.

Tháng 4 năm 1930, Hội nghị thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên của huyện Đức Phổ được tổ chức tại làng Tân Hội. Số đảng viên của chi bộ lúc bây giờ là 11 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Suyền, người thôn Hùng Nghĩa được bầu làm Bí thư.

Sự ra đời của Đảng bộ huyện Đức Phổ mở ra một thời kỳ phát triển mới trong lịch sử đấu tranh cách mạng của huyện nhà. Từ đây dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân Đức Phổ cùng với Nhân dân trong tỉnh đoàn kết đấu tranh chống thực dân Pháp và tay sai, giành độc lập tự do cho dân tộc.

Vừa mới ra đời, Đảng bộ bắt tay ngay vào việc phát động phong trào quần chúng, mở đầu là đợt vận động kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động (ngày  01 tháng 5) sôi nổi trong toàn huyện.

Đêm ngày 30 tháng 4, sáng ngày 01 tháng 5 nhiều cuộc mít tinh của quần chúng được tổ chức ở các làng Tân Hội, Hùng Nghĩa, Vạn Lý, Liên Chiểu, Văn Trường, An Thổ, Hải Môn, Tân Tự, An Ninh, Lộ Bàn, Chợ Cung, Sa Huỳnh. Cờ đỏ búa liềm, truyền đơn, áp phích xuất hiện ở nhiều nơi trong huyện suốt quảng đường 15km trên quốc lộ 1A  từ Thạch Trụ đến đèo Mỹ Trang.

Sau đợt đấu tranh ngày 01 tháng 5, phong trào cách mạng trong cả nước, nhất là ở Nghệ - Tĩnh phát triển thành cao trào. Khí thế cách mạng trong Đảng bộ và quần chúng tỉnh nhà cũng tăng lên nhanh chóng. Trong bối cảnh đó, tháng 6 năm 1930 Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất được tổ chức tại thôn Hùng Nghĩa, xã Phổ Phong. Đại hội đề ra chủ trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đường lối của Đảng, phát động phong trào quần chúng đấu tranh chống chế độ thực dân, phong kiến, đòi các quyền tự do, dân chủ…

Hưởng ứng cao trào cách mạng năm 1930-1931 và Xô Viết Nghệ - Tĩnh, tháng 9 năm 1930 Tỉnh ủy quyết định phát động đợt đấu tranh trong toàn tỉnh với nội dung: Hưởng ứng và ủng hộ Xô Viết Nghệ - Tĩnh, phổ biến sâu rộng đường lối, chủ trương của Đảng nhằm nâng cao giác ngộ và tinh thần đấu tranh của đảng viên và Nhân dân, qua đấu tranh đưa phong trào cách mạng trong tỉnh tiến lên một bước.

Qua thực tiễn phong trào và căn cứ vào điều kiện của Đức Phổ lúc bây giờ, là huyện có tổ chức Đảng mạnh với 50 đảng viên trong tổng số 80 đảng viên của đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi và là nơi có phong trào quần chúng phát triển mạnh mẽ, gắn bó mật thiết với Nhân dân; đồng thời có cơ quan Tỉnh ủy đóng trên địa bàn nên Tỉnh ủy quyết định chọn Đức Phổ làm huyện điểm mở đầu cho đợt đấu tranh trong toàn tỉnh.

Di tích: Cấm Cây Cầy (xã Phổ Phong) nơi tập trung lực lượng, tổ chức

tuần hành kéo về Gò Cây Thị (nay thuộc phường Phổ Ninh) dự Mit tinh.

Đầu tháng 10 năm 1930, Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ huyện tổ chức hội nghị ở Tân Hội. Đồng chí Nguyễn Nghiêm dự hội nghị và thay mặt Tỉnh ủy, chính thức công nhận Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đức Phổ. Hội nghị đã thảo luận chủ trương của Tỉnh ủy về phát động đợt đấu tranh trong toàn tỉnh và thông qua kế hoạch tổ chức cuộc biểu tình trong huyện. Đồng chí Nguyễn Nghiêm trực tiếp lãnh đạo cuộc biểu tình. Ban lãnh đạo gồm một số đồng chí Huyện ủy viên; đồng chí Cao Luân, Huyện ủy viên được phân công nắm tình hình địch trong huyện lỵ; các đồng chí Huyện ủy viên khác trực tiếp lãnh đạo các làng.

Để chi viện cho cuộc biểu tình ở Đức Phổ, Tỉnh ủy giao nhiệm vụ cho các tổ chức Đảng ở các huyện Mộ Đức, Ba Tơ huy động quần chúng ngã cây, lăn đá làm chướng ngại vật trên quốc lộ 1A từ Thạch Trụ đến Thi Phổ và trên quốc lộ 24, từ Thạch Trụ đến gần châu lỵ Ba Tơ. Tỉnh ủy còn cho lập các đội “phòng triệt” và “phòng ngăn” làm nhiệm vụ canh gác trên các con đường đi về tỉnh lỵ, bắt giữ bọn mật thám, lý hương đi báo tin cho địch.

Tối ngày 07 tháng 10, theo kế hoạch đã được thống nhất, quần chúng biểu tình từ các làng trong huyện kéo về điểm tập kết tại Gò Cây Thị, gần trường Lộ Bàn (Phổ Ninh) theo hai hướng: quần chúng các làng thôn Tân Hội, Hùng Nghĩa, Vạn Lý thuộc Phổ Phong đi sang hướng Bích Chiểu rồi cùng quần chúng Nhơn Phước, An Điền, An Tây thuộc Phổ Nhơn vượt đèo Eo Gió đi về điểm tập kết; quần chúng các làng Tân Tự, Hải Môn thuộc Phổ Minh, Văn Trường, Tập An Nam thuộc Phổ Văn, Mỹ Thuận, Kim Giao thuộc Phổ Thuận, các làng thuộc Phổ An… thì về điểm tập kết qua hướng Liên Chiểu, vượt sông Trà Câu cùng với quần chúng các làng phía đông Phổ Ninh đã chờ sẵn.

Nửa đêm ngày 07 tháng 10, lực lượng biểu tình từ 20 làng trong huyện đã có mặt đông đủ tại điểm tập kết ở Gò Cây Thị gần trường Lộ Bàn. Một cuộc mít tinh được tổ chức. Đại điện của Tỉnh ủy lên diễn thuyết vạch trần tội ác của thực dân, phong kiến, tuyên truyền đường lối của Đảng cổ vũ tinh thần Nhân dân.

Di tích: Gò Cây Thị (nay thuộc phường Phổ Ninh) nơi Nhân dân tập trung

dự mít tinh nghe Tỉnh ủy diễn thuyết trước khi kéo về huyện đường.

Sau đó, đoàn biểu tình hàng ngũ chỉnh tề, xếp theo đoàn, đội, có đoàn trưởng, đội trưởng chỉ huy. Mọi người mang dùi, gậy, dây thừng, cơm gói, một số người tay cầm cờ đỏ búa liềm. Đồng chí Lê Long (người Phổ Ninh) đồng chí Huỳnh Long Thụy (người Phổ Phong) phất cao cờ Đảng đi đầu, tiếp theo là những người mang băng, biểu ngữ. Đoàn biểu tình gồm 3.000 người tiến về huyện lỵ, tiếng hô khẩu hiệu, tiếng thét: Tiến lên! Tới! Tới! xen lẫn tiếng trống mõ, bừng bừng khí thế.

Gần sáng, đoàn biểu tình đến huyện lỵ, lúc này số quần chúng tham gia lên tới 5.000 người. Hoảng sợ trước khí thế của quần chúng, tri huyện cùng toàn bộ lại mục, lính tráng bỏ chạy. Những người biểu tình xông vào huyện đường đốt công văn, giấy tờ, hồ sơ, ấn tín, giải phóng tù nhân, treo cờ đỏ bùa liềm, dán áp phích, rãi truyền đơn và hô vang khẩu hiệu.

Sau khi làm chủ huyện đường, đoàn biểu tình tiếp tục tuần hành trong huyện lỵ và giải tán trước khi quân địch đem quân đến đàn áp.

Cuộc biểu tình ngày 08 tháng 10 năm 1930 của Nhân dân Đức Phổ là một sự kiện lịch sử trọng đại trong lịch sử cách mạng của Đảng bộ thị xã Đức Phổ. Cuộc biểu tình diễn ra hoàn toàn chủ động, với quy mô lớn, được tổ chức chặt chẽ, đạt được những kết quả rực rỡ; là một thành công xuất sắc trong công tác lãnh đạo của Đảng bộ huyện Đức Phổ trong điều kiện địch đang đẩy mạnh khủng bố trắng ở Nghệ - Tĩnh và ráo riết đàn áp trong cả nước.

Thắng lợi đó là kết quả phát triển của cao trào đấu tranh cách mạng của quần chúng ở một địa phương có một Đảng bộ và các tổ chức quần chúng phát triển mạnh, gắn bó mật thiết với Nhân dân, được Nhân dân tin tưởng và hết lòng ủng hộ.

Đây là lần đầu tiên ở Quảng Ngãi dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp Nhân dân ở Đức Phổ đã hình thành một đội quân chính trị hùng mạnh trực tiếp đánh vào bộ máy chính quyền thực dân Pháp và phong kiến tay sai và đã làm cho nó tê liệt, thiết thực “phối hợp” và “chia lửa” với cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh.

Thắng lợi của cuộc biểu tình chiếm Huyện đường mãi là niềm tự hào, là biểu tượng về truyền thống đấu tranh bất khuất, quật cường của Nhân dân Đức Phổ, Quảng Ngãi nói riêng, Nhân dân cả nước nói chung kể từ khi có Đảng lãnh đạo./.

Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Đức Phổ

Tin liên quan