Truy cập nội dung luôn

Di tích Điểm cập bến Tàu không số (C41) tại Bãi biển An Thổ

21/10/2021 14:50    1634

Di tích Điểm cập bến Tàu không số (C41) tại bãi biển An Thổ thuộc xóm 4, thôn An Thổ, xã Phổ An, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là một trong những di tích gắn với “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, là địa điểm lưu niệm, ghi dấu sự kiện các chiến sĩ trên con tàu mang mật danh C41, đã bất chấp hiểm nguy trong mưa bom, bão đạn và muôn vàn khó khăn, gian khổ suốt những hải trình dài, ngày đêm chở đầy hàng hóa, vũ khí vượt biển chi viện cho miền Nam ruột thịt. Đây cũng là nơi các chiến sỹ Tàu không số và du kích địa phương hi sinh anh dũng để góp phần đánh thắng kẻ thù xâm lược, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

AHLLVT, Trung tá Hồ Đắc Thạnh, nguyên Thuyền trưởng Tàu C41 dự Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh Điểm cập bến Tàu không số (C41)

 

Tàu không số, mật danh C41 thuộc Đoàn vận tải biển 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân (với tên gọi “Đoàn tàu không số”) được Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng thành lập ngày 23/10/1961. Chấp hành Chỉ thị của Thường trực Quân ủy Trung ương về việc tổ chức vận chuyển vũ khí cho chiến trường Khu 5, Lữ Đoàn 125 giao nhiệm vụ cho tàu không số mang mật danh C41 thực hiện nhiệm vụ vận chuyển hàng vào chiến trường Khu 5 - địa điểm cập bến là bãi biển An Thổ, xã Phổ An, huyện Đức Phổ (nay là thị xã Đức Phổ).

Đêm mùng 9 tháng 11 năm 1966, tàu C41 cùng 17 cán bộ, chiến sĩ có nhiệm vụ chở 59 tấn vũ khí rời bến K20 (huyện Thủy Nguyên, tỉnh Hải Phòng) đi vào Quảng Ngãi, điểm cập bến là bãi biển An Thổ thuộc thôn An Thổ, xã Phổ An, huyện Đức Phổ. Chỉ huy tàu C41 là Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh và Chính trị viên Đặng Văn Thanh. 02 đồng chí Nguyễn Hồng Lỳ và Dương Văn Lộc làm thuyền phó; Máy trưởng Phan Nhạn; Thủy thủ  trưởng Trần Nhợ và 11 thủy thủ khác là các đồng chí: Nguyễn Văn Côn, Nguyễn Văn Tiến, Lê Kim Tự, Trần Mỹ Thành, Hoàng Gia Hiếu, Đồng Xuân Mái, Nguyễn Văn Sinh, Nguyễn Văn Nhỡ, Trương Văn Khanh, Đinh Văn Thông, Trần Văn Thang.

Trên đường đi, gặp thời tiết xấu, tàu phải quay lại căn cứ A2 (cảng Hậu Thủy, Trung Quốc) để bổ sung thực phẩm, sửa chữa máy. Đúng 3 giờ ngày 23 tháng 11, tuy gió mùa đông bắc đang thổi mạnh trên biển, tàu vẫn tiếp tục xuất phát. 23giờ ngày 27/11/1966, tàu vào đến điểm qui định mà Bộ Tổng tham mưu và Tỉnh đội Quảng Ngãi đã hiệp đồng bến đón theo tín hiệu bằng đèn pin giữa bến và tàu. Khi tàu tiếp cận độ sâu 15m, tàu dùng đèn pin phát tín hiệu vào bờ để tàu và bến nhận nhau nhưng không nhận được tín hiệu đáp lại của bến. Trước tình hình đó, Thuyền trưởng cho tàu chạy dọc theo bãi biển từ Phổ An đến cửa Mỹ Á, vừa chạy vừa phát tín hiệu.

Sau khi xác định đúng địa điểm bến, Thuyền trưởng quyết định cho tàu vào độ sâu 10m thả hàng, đồng thời cử 02 đồng chí mang phao và vũ khí bơi vào bờ bắt liên lạc với bến để chỉ địa điểm, cách đánh dấu cho bến ra vớt lấy lần. Thuyền phó Dương Văn Lộc và thủy thủ Trần Nhợ xung phong đảm nhận công việc này. 4 giờ sáng, thả được hai phần ba lượng hàng thì phía ngoài, có hai tàu tuần tiểu phát hiện tàu lạ vào bến, chúng khép kín đội hình với ý định bắt sống tàu ta. Trước tình hình đó, thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh cho ngừng công việc, đóng nắp hầm, chuẩn bị cơ động ra khỏi vị trí thả hàng. Tàu vào gần bờ, sóng cuốn chiếu càng lớn đạp thẳng vào tàu, sóng nâng tàu lên và đập mạnh xuống gặp gân cát làm cong chân vịt, không cơ động xa được. Trời đã gần sáng, tàu chiến Mỹ nháy đèn phát tín hiệu liên tục. Trước tình huống bất ngờ này, cấp ủy, chi bộ và cán bộ tàu quyết định phương án “cho thủy thủ bơi vào bờ rồi phá tàu” nhằm giữ bí mật vị trí thả hàng và không để tàu rơi vào tay giặc. 

Mọi người được lệnh rút lên bờ, còn Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh và máy trưởng Phan Nhạn ở lại châm ngòi nổ bộc phá, rút sau. Chờ đã quá thời gian mà không thấy bộc phá nổ, trời lại sắp sáng. Không thể chờ đợi thêm, tàu lộ sẽ gây tổn thất lớn, Thuyền phó Dương Văn Lộc và Thủy thủ trưởng Trần Nhợ cùng lao ra khỏi chỗ ẩn nấp để bơi trở lại tàu kiểm tra. Hai người vừa ra tới mép nước thì cũng là lúc bộc phá nổ làm rung chuyển mặt biển, phá tan con tàu C41. Sức công phá của 1.000 kg thuốc nổ làm cả 2 đồng chí Dương Văn Lộc, Trần Nhợ và 4 du kích xã Phổ An là Trần Chúc, Tô Ưng, Nguyễn Gần, Trần Ngọc Minh khi ra tiếp nhận vũ khí cùng hy sinh vào lúc 4 giờ 30 phút ngày 28 tháng 11 năm 1966. Những cán bộ, thủy thủ còn lại của tàu C41 có một số bị thương. Các đồng chí đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phổ An cưu mang, đùm bọc. Bốn ngày sau, theo lệnh cấp trên, các chiến sĩ tàu (C41) vĩnh biệt 2 người đồng đội – 2 người con của quê hương Khu 5 rồi nhờ anh em ở bến hướng dẫn đi theo đường Trường Sơn để trở ra miền Bắc. Sau ba tháng vượt Trường Sơn ra Bắc, các đồng chí được nghỉ dưỡng sức thời gian ngắn, sau đó lại được nhận tàu tiếp tục nhiệm vụ vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường miền Nam cho đến ngày đất nước thống nhất.

Sau khi tiễn các chiến sĩ Tàu không số vượt đường Trường Sơn ra Bắc, Đơn vị HB 18, du kích địa phương, Đội chèo tham gia công tác trục vớt vũ khí và nhân dân thôn An Thổ tiến hành trục vớt vũ khí đã được tàu C41 thả xuống biển. Đội trục vớt gồm có 2 chiếc thuyền và 13 thuyền viên do ông Huỳnh Diêm làm đội trưởng, ông Võ Hồng Binh làm đội phó đã được thành lập trước đó.

Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh Điểm cập bến Tàu không số (C41) ngày 22/11/2016

Đội trục vớt phối hợp cùng du kích địa phương làm 1 chòi gác cao cảnh giới hải thuyền của địch ở Cổ Lũy, Mỹ Á; đánh lạc hướng địch bằng cách làm bụi chà và 1 đôi ghe hợp pháp che mắt máy bay địch để lặn xuống vớt vũ khí đưa vào bờ. Trên bờ, du kích địa phương và các chiến sỹ Tiểu đoàn 48, 83 đã trực sẵn chuyển vào rừng dương đưa xuống công sự. Từ tháng 12/1966 đến tháng 2/1967, đội trục vớt đã trục vớt được 523 thùng đạn và 375 bó súng các loại. Các loại vũ khí này đã góp phần để quân dân Đức Phổ nói riêng và quân dân Quảng Ngãi nói chung đánh tan các cuộc hành quân “Đa Kao 8”; cuộc càn quét “Sóng mùa đông”, “Liên kết 82”, “Liên kết 110 – Hoad-Roan” của Mỹ - Ngụy; phá tan kế hoạch hai gọng kìm “tìm diệt và bình địch” của địch trong những năm 1966 – 1967.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, tập thể đơn vị tàu C41, tiền thân là Tàu Phương Đông 1, sau đổi thành Tàu 641 và hiện nay là Tàu 671 đã vinh dự được Nhà nước 2 lần tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều Huân, Huy chương khác như: Quân công Hạng 2, Hạng 3; Huân chương chiến công hạng 1, 2 và 3. 08 cán bộ, chiến sĩ của Tàu cũng đã được truy tặng, phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có 03 cán bộ, chiến sĩ từng tham gia chuyến vận chuyển vũ khí vào bến An Thổ, xã Phổ An ngày 27/11/1966.

Bãi biển An Thổ là một bãi ngang được Bộ tổng tham mưu và Bộ tư lệnh Hải quân chọn làm bến tiếp nhận vũ khí cùng với các bến Lộ Diêu (Bình Định), Bình Đào (Quảng Nam), Vũng Rô (Phú Yên)... Cũng như các bến ngang khác, bến ngang An Thổ có bờ cát đổ ra biển thoai thoải nên chỉ có thể đưa tàu vào lúc triều cường. Vị trí tàu bị phá hủy cách bờ khoảng 150m, ở độ sâu khoảng 16m. Sau khi tàu bị phá hủy, các mảnh vỡ của xác tàu văng khắp nơi, bị chôn vùi trong cát. Hiện nay, địa điểm được khoanh vùng bảo vệ di tích chỉ tồn tại dưới dạng địa điểm lịch sử, chưa được xây dựng Bia di tích.

Để ghi dấu sự kiện trên, ngày 02/8/2016, Di tích Điểm cập bến tàu không số (C41) tại bãi biển An Thổ, xã Phổ An được UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định số 1373/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Di tích Điểm cập bến Tàu không số (C41) tại bãi biển An Thổ đã trở thành địa danh lịch sử gắn với đường Hồ Chí Minh trên biển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; có giá trị giáo dục, bồi dưỡng truyền thống cách mạng cho lớp lớp thanh niên Việt Nam về thế hệ cha anh đã làm nên con đường huyền thoại trên Biển Đông./.

Hoài Tâm – Trung tâm TT-VH-TT thị xã

Tài liệu đính kèm: DT DIEM CAP BEN TAU KHONG SO C41.doc

Tin liên quan