Nghề làm gốm ở Sa Huỳnh được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Theo Quyết định, Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có Tờ trình gửi Bộ VHTTDL xem xét, đưa Nghề thủ công truyền thống Nghề làm gốm ở Sa Huỳnh thuộc xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Quảng Ngãi được xem là cái nôi của Văn hóa Sa Huỳnh và gốm chính là linh hồn của nền văn hóa ấy. Gốm cổ Sa Huỳnh có niên đại cách đây khoảng 3000 năm. Đối với cư dân Sa Huỳnh, đồ gốm đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày và sinh hoạt tâm linh. Trải qua hàng ngàn năm, nghề gốm cổ Sa Huỳnh dần có nguy cơ bị mai một. Hiện số hộ dân vẫn giữ nghề làm gốm truyền thống đếm trên đầu ngón tay, và tập trung ở thôn Trung Sơn và Vĩnh An, thuộc xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Nơi đây, nằm ngay bên cạnh đầm An Khê, cũng chính là cái nôi khai sinh ra nền văn hóa đặc sắc - Văn hóa Sa Huỳnh.
Để bảo tồn nghề truyền thống đó, chính quyền địa phương cùng các tổ chức xã hội, hỗ trợ những người thợ làm gốm còn lại ở Sa Huỳnh nhằm phục dựng, hồi sinh dòng gốm cổ.
Suốt mấy ngàn năm qua, nghề gốm Sa Huỳnh có lúc thịnh lúc suy, nhưng tình yêu và sức sáng tạo của thợ làng gốm thì không bao giờ tắt. Đến nay nghề gốm Sa Huỳnh ở làng gốm Phổ Khánh vẫn giữ cách thức sản xuất thủ công, tạo hình bằng tay trên bàn xoay, không có khuôn, không tráng men và nung bằng lò củi, than truyền thống.
Ngày nay, sản phẩm làng gốm chủ yếu phục vụ dân dụng và du lịch với các sản phẩm nhỏ gọn, tinh xảo như nồi đất, ấm đun nước, khuôn bánh xèo, lò nấu, lọ hoa... Ngoài ra, một số sản phẩm cũng được sản xuất để phục vụ xây dựng kiến trúc hoặc trang trí ở khách sạn, nhà hàng./.
Thúy Yến - Trung tâm Truyền thông - Văn hóa - Thể thao thị xã