Truy cập nội dung luôn

Chuỗi sự kiện quảng bá Quần thể di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh

12/03/2024 13:54    63

Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng huyện Đức Phổ (nay là thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) (23/3/1975-23/3/2024), địa phương này tổ chức chuỗi sự kiện nhằm quảng bá hình ảnh đất và người, nhất là Quần thể di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh.

Liên tục trong hai ngày 9 và 10/3, UBND Thị xã Đức Phổ tổ chức chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch ở khu vực gần đầm An Khê thuộc Quần thể di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh thu hút hàng nghìn du khách đến vui chơi, tham quan.

Chuổi sự kiện gồm: Trình diễn thả diều nghệ thuật, ẩm thực dân gian, Giải bóng chuyền trên cát mở rộng và đêm nhạc An Khê sóng hát.

Ông Hồ Ngọc Hàn, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Văn hóa - Thể thao thị xã Đức Phổ, cho hay chuỗi sự kiện nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh con người Đức Phổ và phát huy tiềm năng, lợi thế tài nguyên du lịch của địa phương.

"Thông qua các sự kiện giao lưu văn hóa, ẩm thực dân gian thể thao, trình diễn thả diều nghệ thuật và đêm nhạc, chung tôi mong muốn gửi đi thông điệp đến với người dân, du khách chung tay bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể di sản Văn hóa Sa Huỳnh, gắn với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ môi trường và thiên nhiên, bảo đảm lợi ích cộng đồng”, ông Hàn nói.

Nằm trong chuỗi sự kiện, khác với những năm trước, Ban Tổ chức khuyến khích mỗi địa phương mang đến những nông sản, đặc sản mang hương vị quê nhà đặc trưng theo từng xã để giới thiệu đến với du khách. Trong số này một số sản phẩm như: Bánh tét làm từ củ mì, bánh ít lá gai, bánh su sê cốt dừa, các loại cá khô đặc trưng vùng biển Sa Huỳnh... được du khách ưa chuộng.

Trong khi đó, chương trình đêm nhạc An Khê sóng hát đã quy tụ nhiều ca sĩ, nghệ sĩ trẻ trình diễn nhiều loại nhạc cụ như: Đàn bầu, ghi ta, trống cadong, kèn saxophone… tạo ấn tượng đẹp trong lòng người xem.

Dịp này, du khách được người dân địa phương lái ca nô, ghe máy khám phá Quần thể di tích Văn hóa Sa Huỳnh, check-in tại nhiều thắng cảnh nổi tiếng như: Đầm An Khê, Phú Khương, Long Thạnh, Thạnh Đức, làng cổ Gò Cỏ, quần thể di tích Chăm pa gồm: Tháp Núi Một, tháp Gò Đá, cầu Đá, miếu Chăm Pa, bia ký Vũng Bàng, 12 giếng Chăm Pa... phân bố liên tục trong không gian đầm, biển, cồn cát Sa Huỳnh.

Đầm nước ngọt An Khê được ví là trái tim của di tích Văn hóa Sa Huỳnh. Năm 1909, nhà khảo cổ học người Pháp, M.Vinet, lần đầu phát hiện bên bờ biển Sa Huỳnh, gần làng cổ Gò Cỏ có khoảng 200 mộ chum. Năm 1936, nhà khảo cổ học người Pháp M.Colani đã lấy địa danh Sa Huỳnh đặt tên cho nền văn hóa khảo cổ này là Văn hóa Sa Huỳnh.

Ngoài ra, trong không gian Văn hóa Sa Huỳnh còn có làng cổ Gò Cỏ độc đáo. Làng cổ này có tảng đá khắc mười dòng chữ Chăm cổ (chữ Phạn) ở làng Gò Cỏ. Bên cạnh đó, làng cổ này vẫn còn lưu giữ các di tích đền thờ và 12 giếng cổ, con đường cổ của người Chăm Pa tồn tại cách nay hàng trăm năm và các phong tục tập quán mang nhiều đặc trưng văn hóa Sa Huỳnh hơn 3.000 năm trước./.

Thu Minh