Truy cập nội dung luôn

Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh

16/03/2023 15:34    10569

Văn hóa Sa Huỳnh là văn hóa khảo cổ thuộc thời đại kim khí được hình thành đỉnh cao văn minh vào thời kỳ đồ sắt có niên đại từ 500 năm trước công nguyên, kết thúc ở thế kỷ hai sau công nguyên, có nguồn gốc hình thành phát sinh và phát triển từ các văn hóa tiền Sa Huỳnh trước đó thuộc sơ kỳ đồng thau, Trung kỳ đồng thau (khoảng 1.500 - 500 trước công nguyên). Phân bố của Văn hóa Sa Huỳnh là ở miền Trung Việt Nam, phía Bắc giao thoa với Văn hóa Đông Sơn ở Quảng Bình, phía Nam giao thoa với Văn hóa Đồng Nai ở Bình Thuận, phía Tây là rìa Tây Nguyên, vùng thung lũng Đông Trường Sơn, phía Đông vươn ra đảo gần bờ.

Táng thức cơ bản của Văn hóa Sa Huỳnh là mộ chum chôn thành khu nghĩa địa lớn, đồng thời cũng tìm thấy mộ vò, mộ đất tại các khu mộ táng Văn hóa Sa Huỳnh. Đồ trang sức đặc trưng của Văn hóa Sa Huỳnh là khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai ba mấu, hạt chuỗi mã não, vòng tay được chế tác từ đá quý, thủy tinh, vỏ nhuyễn thể biển. Nghề chế tạo thủy tinh và luyện rèn sắt thành tựu nổi bật của văn minh Sa Huỳnh, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của xã hội Sa Huỳnh. Văn hóa Sa Huỳnh có sự giao lưu rộng rãi với các văn hóa khác trong khu vực Đông Nam Á lục địa và hải đảo.

Di tích quốc gia đặc biệt văn hóa Sa Huỳnh thuộc loại hình di tích khảo cổ, có 6 địa điểm di tích (tính từ hướng Bắc vào Nam) gồm: Đầm An Khê, Lạch An Khê – sông Cửa Lỗ, Phú Khương, Long Thạnh, Thạnh Đức, Quần thể di tích Champa ở xóm Cỏ, tiếp nối nhau phân bố liên tục trong không gian đầm, biển, cồn cát Sa Huỳnh có tọa độ 15040'16" vĩ Bắc và 109000'2" kinh Đông. Trong đó, 3 di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh nằm liền kề nhau: Địa điểm di tích Long Thạnh khai quật các năm 1977, 1978, 2010; Địa điểm di tích Phú Khương khai quật các năm 1923, 1959; Địa điểm di tích Thạnh Đức phát hiện đầu tiên Văn hóa Sa Huỳnh năm 1909, khai quật các năm 1923, 1934. Hai địa điểm Long Thạnh và Phú Khương đã được Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định xếp hạng Di tích lịch sử – văn hoá Quốc gia tại Quyết định số 3457/QĐ-BVHTT ngày 05/11/1997.

I. Các điểm di tích thuộc di tích khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh

1. Địa điểm di tích Long Thạnh

(Khu vực bảo vệ 1: 178.387,9m2, Khu vực 2: 102.283,7m2)

Địa điểm di tích Long Thạnh (còn gọi là Gò Ma Vương) thuộc tổ dân phố Long Thạnh 2, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ. Long Thạnh là di tích tiền Sa Huỳnh thuộc sơ kỳ đồng thau, là nguồn gốc trực tiếp phát triển lên Văn hóa Sa Huỳnh sơ kỳ sắt. Năm 1978, Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật Long Thạnh ở hai hố đào có diện tích 150m2 tìm thấy khu cư trú có tầng văn hóa dày trên 2m và một khu mộ táng với 16 mộ chum gốm. Di tích Long Thạnh nổi bật với loại quan tài chum hình trứng và hình cầu, phía trên có nắp đậy là bát bồng hay dạng mộ nồi có hai nồi chôn úp nhau. Bộ sưu tập hiện vật đặc trưng với loại cuốc đá hình lưỡi mèo, loại bôn đá hình răng trâu, nhóm trang sức bằng đá quý nephrit gồm khuyên tai 4 mấu, khuyên tai hình vành khăn, ống chuỗi hình đốt trúc, ống chuỗi hình trụ được chế tác công phu và tinh xảo. Bộ sưu tập hiện vật Long Thạnh đáng chú ý là đồ gốm. Đồ đựng bằng gốm của Long Thạnh đa dạng về loại hình và phong phú về hoa văn. Hoa văn trên gốm chủ đạo là văn thừng, bao gồm văn thừng thô đập trên thân chum từ vai đến đáy, văn thừng mịn và kết hợp với các loại hoa văn khác để tạo nên các đồ án khác nhau. Thông qua mẫu C14 xác định di tích Long Thạnh có niên đại 3070 ± 40 năm cách ngày nay, cho thấy đây là di tích mang đặc trưng giai đoạn sớm, đại diện cho một giai đoạn văn hóa sơ kỳ đồng thau tiến lên giai đoạn sơ kỳ sắt của Văn hóa Sa Huỳnh.

2. Địa điểm Di tích Phú Khương

(Khu vực bảo vệ 1: 307.361,8m2, Khu vực 2: 239.560,6m2)

Di tích Phú Khương là khu mộ chum Văn hoá Sa Huỳnh rất lớn, phân bố trên trảng cát lớn của dải cồn cát Sa Huỳnh ven đầm An Khê, thuộc thôn Phú Long, xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ. Di tích Phú Khương được bà La Barre khai quật vào năm 1923 và đã phát hiện trên 120 chum cùng số lượng lớn hiện vật. Kết quả khai quật của La Barre được H. Parmentier chỉnh lý và công bố trong bút ký khảo cổ học Đông Dương.

Di tích thuộc giai đoạn Sa Huỳnh sắt sơ kỳ, mộ chum luôn được chôn thành cụm trên vùng cồn cát nằm ven bờ biển, cạnh đầm nước ngọt và do vậy ở gần đâu đó là di tích cư trú của những chủ nhân khu mộ chum Phú Khương. Bên trong chum có nhiều đồ tùy táng, một vài chum chứa di cốt người, di vật tùy táng trong chum có nồi, bát, bình gốm, đồ sắt, đồ trang sức bao gồm khuyên tai, vòng tay bằng thuỷ tinh và đá bán quý. Di tích Phú Khương có đồ tuỳ táng trong chum rất phong phú số lượng và đa dạng về loại hình. Đặc trưng di tích Phú Khương là các đồ trang sức bằng đá quý, đó là loại hạt chuỗi màu đỏ sẫm bằng đá mã não (agate) có nhiều hình dạng như hình vuông dẹp, hình quả trám, hình thoi, hình đa diện lục giác, bát giác.

3. Địa điểm Di tích Thạnh Đức

(Khu vực 1: 89.735,5 m2, Khu vực 2: 73.925,9 m2)

Di tích Thạnh Đức là khu mộ chum Văn hóa Sa Huỳnh phân bố trên dải cồn cát Sa Huỳnh, giữa một bên là biển và một bên là đầm nước mặn của khu đồng muối Tân Diêm, thuộc tổ dân phố Thạnh Đức, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ. Đây là nơi M. Vinet phát hiện đầu tiên khu mộ chum 200 chiếc vào năm 1909, là mốc phát hiện đầu tiên Văn hóa Sa Huỳnh. Đến năm 1934, bà M.Colani công bố khai quật và công bố trên các hội thảo, tạp chí và năm 1936, đưa ra thuật ngữ Văn hóa Sa Huỳnh. Khu mộ chum Thạnh Đức có số lượng chum táng rất lớn, nếu tính tổng số mộ chum mà La Barre và M.Colani khai quật được ở đây thì đã đến con số 175 chum. Trong chum có chứa di vật tùy táng như đồ đồng, công cụ sắt, đồ trang sức khuyên tai bằng đá nephrit, bằng thủy tinh và nhiều đồ đựng bằng gốm. Đồ đồng Thạnh Đức có loại lục lạc đồng, đây là bằng chứng giao lưu giữa Văn hóa Sa Huỳnh và Văn hóa Đông Sơn. Đặc biệt ở Thạnh Đức có loại vòng đeo tay chất liệu đồng sắt kết hợp. Đây là di vật độc đáo lần đầu tiên tìm thấy trong di tích Văn hóa Sa Huỳnh.

Đồ đựng bằng gốm ở Thạnh Đức bao gồm các loại nồi, bình và bát bồng có kiểu dáng phong phú và đa dạng. Hoa văn trang trí trên đồ gốm Thạnh Đức đa dạng với các đồ án đẹp phối hợp với tô đỏ và tô chì. Đồ gốm Thạnh Đức đặc trưng cho gốm Sa Huỳnh, trong đó có những loại hình đồ đựng và hoa văn mang tính kế thừa ở giai đoạn sớm Long Thạnh và Bình Châu.

Trên dải cồn cát Sa Huỳnh, di tích Long Thạnh, Phú Khương, Thạnh Đức có quan hệ văn hóa mang tính lịch đại, nguồn gốc phát triển, đó là bước chuyển từ Long Thạnh sơ kỳ đồng thau phát triển lên giai đoạn Phú Khương, Thạnh Đức sơ kỳ sắt, được phản ánh qua tổng thể cấu trúc tầng văn hóa, truyền thống mộ chum, đồ gốm, trang sức đá nephrit ...

4. Quần thể di tích Champa trong không gian Sa Huỳnh

(Khu vực bảo vệ 1: 4.095,9 m2, Khu vực 2: 15.722,7 m2)

Quần thể di tích Champa trong không gian Sa Huỳnh gồm: Tháp núi Một, Tháp Gò Đá, Cầu Đá, Miếu Champa (Miếu thờ Thổ Chủ), Bia ký Champa, Hệ thống giếng Champa, Con đường xếp đá cổ (Sa Huỳnh - Champa - Việt), Hệ thống mương thủy lợi cổ Champa.

Về hiện trạng: Các tháp Champa như tháp núi Một chỉ còn lại phế tích nền đế tháp. Tháp Gò Đá còn lại dấu tích đế tháp nằm bên cạnh tuyến đường thiên lý. Đường xếp đá cổ, mương thủy lợi cổ, cầu đá cổ vẫn còn giữ nguyên vẹn.

Quần thể di tích giếng cổ Champa ở xung quanh đầm An Khê có số lượng lớn, thống kê có 3 giếng bộng ở Phú Khương về phía bắc đầm An Khê, 9 giếng bộng tập trung ở xóm Cỏ, tổ dân phố Long Thạnh 2, phường Phổ Thạnh và 1 giếng bộng ở tổ dân phố Thạnh Đức 1. Các giếng cổ Champa còn giữ nguyên vẹn lòng giếng, có một số giếng đã xây cao bờ thành giếng theo hình tròn. Giếng cổ Champa quanh đầm An Khê được dùng cho cư dân trong cộng đồng làng, cho thuyền buồm hải hành buôn bán trên biển ghé vào lấy nước và dùng cho người ngựa trên đường thiên lý. Quần thể giếng cổ quanh đầm An Khê có giá trị lớn trong việc nghiên cứu, bảo tồn di sản, tham quan du lịch.

5. Đầm An Khê

(Khu vực bảo vệ 2: 3.553.223 m2)

Đầm An Khê nằm cạnh Quốc lộ 1A, thuộc xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Theo số liệu đo đạc năm 2015 đầm An Khê có diện tích tự nhiên 347,6ha, chiều sâu mực nước trong đầm từ 0.5m đến 4m.

Đầm An Khê có giá trị nổi bật là một hồ nước ngọt cạnh biển lớn nhất Việt Nam, là nơi chuyển tiếp hệ sinh thái trên cạn và biển, cùng tồn tại trong một tổng thể các hệ sinh thái nước ngọt, nước lợ, nước mặn và sản xuất nông nghiệp, đóng vai trò quan trọng đối với môi trường và sự phát triển kinh tế xã hội của vùng. Khu vực miền Trung có đặc trưng khô hạn và nóng, vì vậy, đầm An Khê có vai trò hết sức quan trọng với sự cân bằng nước của vùng, điều hòa không khí nhất là trong các tháng hè cực kỳ khô nóng. Bên cạnh đó, với nguồn lợi thủy sản phong phú, đầm An Khê đảm bảo thực phẩm cho nhân dân sống quanh đầm, là sinh kế của hơn hai trăm hộ dân của xã Phổ Khánh và phường Phổ Thạnh.

6. Lạch An Khê, sông Cửa Lỗ

(Khu vực bảo vệ 1: 1.759m, Khu vực bảo vệ 2: 585.299 m2)

Phía Đông của đầm An Khê có lạch thoát nước ra biển nhỏ hẹp với diện tích 58,5 ha, cuối con lạch là cửa đầm - người dân địa phương thường gọi Cửa Lỗ, cửa này hầu như kín quanh năm. Vào mùa mưa lũ nước trong đầm dâng cao hơn so với mùa kiệt nước khoảng 1m gây ngập úng phần diện tích đất sản xuất nông nghiệp và nhà dân sống ven đầm thuộc thôn Phú Long, lúc này người dân sống ven đầm sẽ phải khơi thông cửa đầm cho nước thoát ra biển.

Đầm, lạch An Khê và sông Cửa Lỗ gắn liền với sự hình thành nên Văn hóa Sa Huỳnh, là điều kiện thiên nhiên cơ bản để hình thành nên các di tích Văn hóa Sa Huỳnh, Văn hóa Champa và Văn hóa Việt ở xung quanh đầm.

II. Giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh

1. Đầm, lạch An Khê và sông Cửa Lỗ là cội nguồn sinh thái nhân văn, điều kiện cần và đủ để hình thành nên các di sản Văn hóa Sa Huỳnh, Văn hóa Champa tiếp nối nhau liên tục phát triển. Đầm An Khê và khu vực xung quanh với những di tích khảo cổ học đã được phát lộ và còn trong lòng đất là môi trường sống, không gian sinh tồn, sinh thái nhân văn của cư dân Văn hóa Sa Huỳnh, Văn hóa Champa, Văn hóa Đại Việt.

2.  Di tích văn hóa Sa Huỳnh tại Sa Huỳnh là nơi phát hiện đầu tiên và xác lập tên gọi Văn hóa Sa Huỳnh, được các nhà khảo cổ học khai quật nghiên cứu trong suốt thế kỷ 20.

3. Di chỉ cư trú Long Thạnh Văn hóa Sa Huỳnh qua địa tầng đã đưa ra bằng chứng khoa học xác thực để khẳng định tính bản địa của Văn hóa Sa Huỳnh. Bộ sưu tập bình hoa gốm Long Thạnh gồm 18 bình gốm hình lọ hoa đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận bảo vật Quốc gia vào năm 2018.

4. Từ các di tích Văn hóa Sa Huỳnh tại Sa Huỳnh qua nghiên cứu đem lại nhận thức về quan hệ giao lưu văn hóa rộng mở của trung tâm Sa Huỳnh với các trung tâm văn hóa khác ở khu vực Đông Nam Á trong thời đại kim khí.

5. Về giá trị thẩm mỹ, bộ sưu tập di vật Văn hóa Sa Huỳnh tại Sa Huỳnh đạt trình độ thẩm mỹ cao, phong phú đa dạng, trong đó bộ sưu tập bình gốm Long Thạnh đã được công nhận bảo vật quốc gia.

6. Quần thể di tích Champa trong không gian Sa Huỳnh là bằng chứng về sự tiếp nối định cư từ Sa Huỳnh đến Champa. Quần thể di tích Văn hóa Sa Huỳnh, Champa xung quanh khu vực đầm An Khê có giá trị rất lớn trong nghiên cứu, là bằng chứng về truyền thống văn hóa từ Sa Huỳnh, Lâm Ấp đến Champa là liên tục không đứt đoạn.

Hàng nghìn năm qua, dải cồn cát Sa Huỳnh, nơi chứa đựng các di tích khảo cổ học mang tầm quốc tế và khu vực vẫn giữ nguyên vẹn vẻ nguyên sơ, chưa có những tác động xâm hại. Trên dải cồn cát Long Thạnh, Phú Khương, Thạnh Đức là rừng cây phi lao phòng hộ chắn gió cát ven biển, phía trong là đầm nước ngọt An Khê có diện tích khoảng 100 ngàn hecta, là nguồn nước ngọt phong phú cùng các loại thủy sản cung cấp cho cuộc sống của cư dân văn hóa Sa Huỳnh sống trên dải cồn cát ven bờ đầm. Năm 2012, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đầu tư dự án bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa Sa Huỳnh tại khu vực xóm Cát, tổ dân phố Long Thạnh 2, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Dự án gồm bảo tồn tôn tạo di tích Long Thạnh (Gò Ma Vương), phục hồi hai hố khai quật năm 1978, đó là hố số 8 và hố số 10 thuộc dự án (tức hố H1 và hố H2 do Viện Khảo cổ khai quật năm 1978) và xây dựng Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh với diện tích 1.500 m2.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của di tích, ngày 29/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh là Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 1649/QĐ-TTg./.

 

Hoài Tâm – Trung tâm TT-VH-TT thị xã Đức Phổ