Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, tỉnh Nghệ An tổ chức nói chuyện truyền thống về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Phan Thái Ất, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi
Tại buổi nói chuyện truyền thống, giáo viên, học sinh trường THPT số 1 Đức Phổ và trường THCS Nguyễn Nghiêm đã được nghe đại diện lãnh đạo Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh giới thiệu về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Phan Thái Ất và giới thiệu trưng bày chuyên đề về “Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh giai đoạn 1930- 1931”.
Đồng chí Phan Thái Ất sinh năm 1894, trong một gia đình có truyền thống yêu nước tại làng Nam Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Ngày 25/9/1929, đồng chí được kết nạp vào tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng và được bầu làm Bí thư chi bộ Dương Xuân, Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Anh Sơn. Tháng 4/1930, với tư cách là phái viên Phân cục Xứ ủy Trung kỳ, đồng chí Phan Thái Ất được phân công về hoạt động ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Tại Quảng Ngãi, đồng chí Phan Thái Ất đã cùng với đồng chí Nguyễn Nghiêm trực tiếp chỉ đạo tổ chức Đại hội lần thứ nhất của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi vào tháng 6/1930. Tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Nghiêm được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Phan Thái Ất được bầu làm Phó Bí thư. Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi, với đồng chí Phan Thái Ất và đồng chí Nguyễn Nghiêm đứng đầu đã trực tiếp lãnh đạo, tổ chức nhiều cuộc đấu tranh, biểu tình lớn, làm cho thực dân Pháp và tay sai hết sức hoang mang, lo sợ.
Sau khi đồng chí Nguyễn Nghiêm bị địch bắt và bị xử chém tại bãi sông Trà Khúc vào ngày 23/4/1931, đồng chí Phan Thái Ất được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
Ngày 27/7/1931, đồng chí Phan Thái Ất bị thực dân Pháp bắt tại chùa Khánh Vân, huyện Sơn Tịnh và bị kết án tử hình, nhưng do dư luận phản đối, chúng phải hạ xuống án chung thân khổ sai và đày lên nhà tù Buôn Ma Thuột. Trong tù, đồng chí vẫn tham gia lãnh đạo các cuộc đấu tranh của anh em tù chính trị nên bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo.
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, đồng chí được đón về đất liền, sau đó được Đảng, Nhà nước cử đi làm nhiệm vụ quốc tế, giúp nước bạn Campuchia cho đến năm 1953 trở về quê hương tiếp tục công tác và nghỉ hưu năm 1961. Năm 1967, đồng chí mất tại quê nhà.
Qua buổi nói chuyện và trưng bày chuyên đề giúp giáo viên, học sinh nhà trường hiểu sâu sắc hơn về sự kiện Xô viết Nghệ Tĩnh giai đoạn 1930- 1931 và cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Phan Thái Ất - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Từ đó không ngừng cố gắng, rèn luyện trở thành những người có ích cho cộng đồng, xã hội, góp phần xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp xứng đáng với sự hy sinh của các bậc tiền bối cách mạng./.
Hoài Tâm – Trung tâm TT-VH-TT thị xã Đức Phổ