Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
Sáng 13/01/2025, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư dự và chỉ đạo Hội nghị tại điểm cầu Trung ương.
Hội nghị được kết nối từ điểm cầu Trung ương tới 15.345 nghìn điểm cầu tại các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các ban, bộ, ngành, đơn vị sự nghiệp Trung ương; các điểm cầu cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã với gần 979 nghìn đại biểu tham dự.
Tham dự tại điểm cầu thị xã Đức Phổ có đồng chí Nguyễn Xuân Văn, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã; đồng chí Bùi Văn Lý, Chủ tịch UBND thị xã; đồng chí Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch HĐND thị xã; đồng chí Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã; lãnh đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc Thị ủy; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, hội đoàn thể thị xã; lãnh đạo Đảng ủy, UBND các xã, phường.
Tại hội nghị, Ban Tổ chức Trung ương đã công bố Quyết định của Bộ Chính trị về thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo gồm 19 thành viên do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban Chỉ đạo.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý cũng trình bày báo cáo tình hình, kết quả thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thời gian qua; quán triệt triển khai tinh thần và nội dung cốt lõi của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Quán triệt, triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, quan điểm thực hiện Nghị quyết là tư tưởng phải thông, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, phân công 5 rõ: "rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm".
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm, đó là nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Chính phủ cũng đặt ra 41 chỉ tiêu cụ thể đến năm 2045; đồng thời xây dựng danh mục 140 nhiệm vụ triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nhấn mạnh, Nghị quyết số 57 không thay thế các nghị quyết trước đây nhưng có thể xem là nghị quyết giải phóng tư duy khoa học, nghị quyết của hành động với những mục tiêu cụ thể, đổi mới cách nghĩ, cách làm nhằm hiện thực hóa các chủ trương, xóa bỏ các rào cản, thúc đẩy đột phá trong trong phát triển KHCN, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; tạo nền tảng cho phát triển mạnh mẽ đất nước ta trong thời kỳ mới.
Để đưa Nghị quyết số 57 đi vào đời sống kịp thời, hiệu quả, Tổng Bí thư đề nghị các cấp, ngành, địa phương phải xắn tay ngay vào làm việc, không được chậm trễ; nhanh chóng thể chế hóa, ưu tiên bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện. Trong đó, cần thống nhất nhận thức và hành động, xác định phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách, trong năm 2025 phải hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định của pháp luật, các cơ chế chính sách tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản để phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; giải phóng tối đa sức sáng tạo, khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; cần có tư duy mới, cách tiếp cận mới trong việc sửa đổi luật và đồng bộ hóa các quy định có liên quan; hoàn thiện thể chế phải đi đôi với việc tổ chức thực hiện hiệu quả, cơ chế giám sát, đánh giá chặt chẽ.
Đồng thời, ưu tiên bố trí ngân sách cho KHCN xứng tầm với quốc sách đột phá; bố trí ngân sách cho KHCN nghiên cứu, phát triển; lập các quỹ KHCN, khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; đảm bảo các nhà khoa học có quyền chủ động trong ứng dụng và nghiên cứu công nghệ./.