Truy cập nội dung luôn

Di tích lịch sử Căn cứ Tỉnh ủy Quảng Ngãi tại núi Sầu Đâu (1955- 1957)

18/03/2022 16:44    1798

Di tích lịch sử Căn cứ Tỉnh ủy Quảng Ngãi tại núi Sầu Đâu (1955-1957) thuộc thôn Hải Môn (nay là Tổ dân phố 4), phường Phổ Minh, thị xã Đức Phổ.

Địa điểm núi Sầu Đâu được chọn làm Căn cứ hoạt động chính của các đồng chí trong Tỉnh ủy Quảng Ngãi giai đoạn 1955-1957, đặc biệt là nơi đồng chí Phạm Xuân Hòa, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi chọn nơi hoạt động cho đến lúc hi sinh. Từ Căn cứ này, nhiều cuộc họp và các quyết định quan trọng của Tỉnh ủy đã đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn khó khăn, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Sau hiệp định Giơ - ne - vơ (1954), đế quốc Mỹ thay thực dân Pháp, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, tăng cường cố vấn, viện trợ kinh tế, quân sự… để thực hiện âm mưu xâm chiếm, biến chiến trường miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới. Tỉnh ủy chủ trương cho gấp rút xây dựng một số căn cứ ở đồng bằng để có điều kiện bám dân, thuận tiện cho việc lãnh đạo, thực hiện việc chuyển quân tập kết. Các đồng chí cán bộ Tỉnh ủy Quảng Ngãi có nhiệm vụ ở lại được bố trí lui vào hoạt động bí mật và rải đều khắp trong quần chúng Nhân dân để nắm bắt tình hình cũng như lãnh đạo quần chúng đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơ - ne - vơ đã kí kết. Đồng chí Phạm Xuân Hòa được Tỉnh ủy phân công quyền Bí thư Tỉnh ủy, phụ trách chung, đứng chân ở Đức Phổ và chọn núi Sầu Đâu làm căn cứ hoạt động của Tỉnh ủy trong thời gian này.

Núi Sầu Đâu có nhiều cây cối rậm rạp và rừng cây cổ thụ che phủ, được bao bọc bởi các cánh đồng và xen kẽ là những nhà dân, phía Đông Nam giáp với xóm Vạn chài, Bãi Xếp và núi Cửa là đường rút lui an toàn khi bị địch phát hiện. Đồng chí Phạm Xuân Hòa tận dụng hệ thống địa đạo có từ thời kỳ chống Pháp ở đây để phát triển thành Căn cứ hoạt động bí mật của cơ quan Tỉnh ủy. Tại đây, ban ngày các đồng chí rút vào vòng bí mật, bắt đầu tổ chức hội họp, bàn bạc phương thức tác chiến, triển khai nhiệm vụ. Tối đến, các đồng chí quay về các làng xã hoạt động, gây dựng cơ sở cách mạng, vận động Nhân dân chống các chính sách “tố cộng, diệt cộng” của Mỹ - Ngụy. Đặc biệt trong thời gian này, đồng chí Phạm Xuân Hòa cho ra đời tờ “Thống nhất”, tờ báo được xem là cơ quan ngôn luận chính thức của Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Chính sự tận tụy, gương mẫu của các cán bộ, đảng viên đã làm cho quần chúng yêu mến, tín nhiệm, Nhân dân tin tưởng vào Đảng. Do vậy, mặc dù bị địch khủng bố ác liệt, lực lượng cách mạng vẫn hạn chế được một phần tổn thất. Các lực lượng quần chúng được sắp xếp, các cơ quan lãnh đạo, lực lượng cơ sở, thanh niên nòng cốt được duy trì, giữ vững.

Núi Sầu Đâu có tổng diện tích gần 7 hecta có nhiều cây lâu năm xanh tốt như chò chỉ, mít, trâm… ẩn mình dưới các tán cây cổ thụ lâu năm là các tầng lá thấp và nhiều tảng đá lớn nhỏ chen chúc lẫn nhau tạo nên độ che phủ khá dày, có tác dụng nguy trang kín đáo, địch khó phát hiện, rất thuận lợi cho việc ra vào, trú ẩn. Phần địa đạo được khoét sâu trong lòng đất, cách mặt đất từ 5 - 7m; chiều cao trung bình là 1,5m, chiều ngang trung bình 0,8 - 1m thông với nhau bằng nhiều nhánh chẻ ngang, dọc. Hiện tại đã phát hiện được 3 cửa để vào trong căn cứ nhiều dấu vết của giao thông hào và một miệng của địa đạo ở phía bắc khu vực sườn núi Sầu Đâu.

Nơi đặt trụ sở Căn cứ Tỉnh ủy được khoét dạng mái vòm, tạo sự vững chắc. Phía trên là lớp đất dày (2-5m) các rễ cây cổ thụ bám chặt trên những vách đá tự nhiên tạo thành những hang hốc có tác dụng hạn chế tác động bom pháo của địch. Một số ngách được khoét lõm sâu để làm nơi, trạm nghỉ chân, tích trữ lương thực, nhu yếu phẩm, đạn dược, thuốc men…

Tháng 10 năm 1955, đồng chí Nguyễn Quang Lâm (Tám Tú) được Liên Khu ủy V chỉ định về làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, đồng chí Phạm Xuân Hòa làm Phó Bí thư và được phân công ở lại tiếp tục chỉ đạo xây dựng căn cứ lâu dài, vừa lãnh đạo phong trào cho các huyện đồng bằng. Căn cứ Tỉnh ủy Quảng Ngãi tại núi Sầu Đâu hoạt động hiệu quả liên tục từ năm 1955 đến tháng 4 năm 1957 thì chấm dứt. Lúc này, đồng chí Phạm Xuân Hòa bị lộ, Căn cứ Tỉnh ủy không còn giữ bí mật được nữa. Do tình hình ngày càng ác liệt, với chính sách “tố cộng, diệt cộng” của bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm, nhiều cán bộ trung kiên trong hàng ngũ của Đảng đã phải anh dũng hi sinh, trong đó có đồng chí Phạm Xuân Hòa (hi sinh ngày 18.4.1957). Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm trước mắt của ta là giữ gìn lực lượng cách mạng, bảo vệ lực lượng lãnh đạo Đảng và lực lượng nòng cốt trong quần chúng. 

Thời gian căn cứ Tỉnh ủy đóng tại núi Sầu Đâu tuy ngắn (1955-1957) song vai trò lịch sử của Căn cứ Tỉnh ủy Quảng Ngãi tại núi Sầu Đâu đóng vai trò vô cùng to lớn. Các cán bộ được Đảng chỉ định ở lại đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong việc giữ vững cơ sở cách mạng trong bối cảnh phải hoạt động bí mật, đấu tranh chính trị. Đây là cơ sở quan trọng, tạo tiền đề để phong trào cách mạng miền Nam nói chung và phong trào cách mạng ở Quảng Ngãi tiến lên đấu tranh vũ trang, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Căn cứ Tỉnh ủy Quảng Ngãi tại núi Sầu Đâu (1955-1957) là căn cứ đầu tiên và duy nhất giữa đồng bằng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nơi ghi dấu sự hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan Tỉnh ủy đối với phong trào cách mạng trong giai đoạn khó khăn và ác liệt nhất thời kỳ 1955 - 1957. Đây còn được gọi là căn cứ lòng dân đã thể hiện lòng yêu nước, sự cưu mang đùm bọc tin yêu của Nhân dân đối với Đảng.

Di tích Căn cứ Tỉnh ủy tại núi Sầu Đâu (1955-1957) được bảo tồn khá nguyên vẹn trên tổng diện tích 66.440m2. Các khu vực công sự, giao thông hào, địa đạo cơ bản giữ nguyên được trạng thái ban đầu. Tuy nhiên, còn có nhiều khúc, đoạn bị sạt lở do tác động của điều kiện khí hậu nắng nóng, mưa nhiều đã ảnh hưởng không nhỏ đến độ bền vững của các công trình này. Di tích Căn cứ Tỉnh ủy Quảng Ngãi tại núi Sầu Đâu (1955-1957) đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh tại Quyết định số 937/QĐ-UBND ngày 30/6/2021./.

Hoài Tâm – Trung tâm TT-VH-TT thị xã Đức Phổ

Tài liệu đính kèm: DI TICH CAN CU TINH UY.doc