Truy cập nội dung luôn

Bảo tồn và phát triển các loại hình văn hóa truyền thống trong đời sống cộng đồng

13/07/2022 13:58    1766

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh việc tiếp tục xây dựng, giữ gìn, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển" và "soi đường cho quốc dân đi."

Mượn lời tiền nhân "Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất", Tổng Bí thư đồng tình với quan điểm "Văn hóa còn thì dân tộc còn." Văn hóa làm nên hồn cốt của dân tộc nên mất văn hóa là mất dân tộc.

Ở ba miền Bắc - Trung - Nam của Việt Nam, mỗi miền đều có những loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian đặc sắc, phản ảnh những góc nhìn lịch sử, văn hóa dân gian đa chiều, trong đó có tỉnh Quảng Ngãi nói chung và thị xã Đức Phổ nói riêng. Hiện nay, Đức Phổ có 3 loại nghệ thuật diễn xướng dân gian vẫn đang được người dân các địa phương lưu giữ, đó là hát bài chòi, hát sắc bùa và hát bả trạo.

Hát bài chòi

Hát bài chòi là một hình thức ca hát dân gian phổ biến ở vùng Nam Trung Bộ. là loại hình vừa mang tính trình diễn, vừa mang tính thực hành xã hội, công chúng cùng một lúc được thưởng ngoạn nhiều thể loại, nhiều thành phần nghệ thuật khác nhau như dân ca, thơ, trò diễn, trích đoạn sân khấu, chuyện kể và diễn tấu nhạc cụ truyền thống…

Ở Quảng Ngãi, cách đây vài chục năm về trước, hội hát bài chòi có mặt ở hầu hết các làng xã trong tỉnh, nhất là các làng xã ven biển vào mỗi dịp tết Nguyên đán. Ngày nay địa phương còn tổ chức hội bài chòi không còn nhiều.

Một cỗ bài chòi có 27 cặp con (còn gọi là quân hoặc thẻ bài) được chia làm 3 pho: Pho sách gồm 9 cặp có tên: Nhất nọc, Nhì nghèo, Ba gà, Tứ xách, Ngũ dụm, Sáu bường, Bảy sưa, Tám dây, Cửu điều; Pho Vạn gồm 9 cặp có tên: Nhứt trò, Nhì bá, Tam quăn, Tứ ghế, Ngũ trợt, Lục chạng, Thất vung, Bát bồng, Cửu chùa; Pho Văn gồm 9 cặp có tên: Nhứt gối, Nhì bánh, Ba bụng, Tứ tượng, Ngũ rốn, Sáu xưởng, Bảy liễu, Tám miếu, Chín cu. Ngoài ra còn có 3 cặp: Lão, Thang, Chi. Lão có Ông ầm, Thang có Thái tử, Chi có Bạch huê.

Một sân khấu bài chòi được bố trí theo dạng hình vuông, gồm có 8 chòi con và 01 chòi trung ương. Người chơi ngồi trên 8 chòi con. Chòi trung ương dành cho các anh hiệu (có khi vài người để thay nhau hát, xướng) và ban nhạc (ngũ âm). Khi anh hiệu xướng lên con bài nào thì chòi trúng con bài sẽ đánh mõ tre báo hiệu là trúng con bài đó, anh chạy hiệu sẽ cắm cờ vào ống tre giắt bên chòi của người chơi. Kết thúc một lần chơi là lúc có một chòi trúng cả 3 con bài, anh hiệu sẽ đánh một hồi trống báo hiệu chấm dứt, các chòi con sẽ đánh một hồi mỏ chúc mừng.

Nội dung các bài hát (hô thai) thường là dễ thuộc, dễ nhớ, hóm hỉnh, theo thể thơ lục bát, lục bát biến thể hoặc thơ 4 chữ. Nhiều bài hát có nội dung rất sâu sắc, đề cao lối sống tốt đẹp, phê phán thói hư tật xấu trong xã hội.

Theo nghệ nhận ưu tú Võ Duy Khánh thì cái hay riêng của hát bài chòi là ở chỗ kể chuyện nhưng không giống như lối kể chuyện thông thường mà có động tác, nhạc cụ phụ họa; diễn trích đoạn sân khấu nhưng không giống như tuồng và hát bội, vì không có sân khấu, không có phông cảnh, không dùng y phục biểu diễn chuyên nghiệp mà chỉ với bộ quần áo thông thường.

Giai điệu của bài chòi thường theo lối hát thông thường, như nói thơ, nói vè cùng với tài tung hứng lời thơ tại chỗ, lối độc diễn tự tin và hồn nhiên chính là nét đặc trưng độc đáo và đặc sắc của nghệ thuật Bài chòi dân gian, là điểm hoàn toàn khác biệt so với các loại hình nghệ thuật khác.

Hát sắc bùa

Hát múa sắc bùa là một hình thức diễn xướng dân gian mang tính chất nghi lễ - phong tục, chủ yếu diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán. Trước năm 1945, nhiều làng xã ven biển thuộc các huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ có truyền thống hát múa sắc bùa. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà tục hát sắc bùa chỉ còn ở xã Đức Phong (Mộ Đức), các xã, phường Phổ An, Phổ Cường, Phổ Vinh, Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ), trong đó tiêu biểu nhất là ở xã Phổ An.

Tiết mục hát múa sắc bùa tại Lễ công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới

Theo nghệ nhân dân gian Huỳnh Tròn, một trong những nghệ nhân lớn tuổi và còn hát sắc bùa ở xã Phổ An thì thời gian hội hát múa sắc bùa lưu diễn bắt đầu từ đêm trừ tịch đến hết tháng giêng, không chỉ trong một làng xã mà còn biểu diễn ở nhiều nơi, đặc biệt ở các xã ven biển, có khi tận Bình Định hoặc Quảng Nam, chính tính chất lưu diễn này mà hát múa sắc bùa được xem là nghệ thuật diễn xướng dân gian mang tính bán chuyên nghiệp.

Biên chế một hội hát múa sắc bùa thường có 11 người, trong đó có một ông cái kiêm chơi trống tầm vinh (còn gọi là tùng dinh, là một dạng trống cơm), một ông phụ cái, một ông chơi đàn cò, một ông chơi kèn tiểu, một ông chơi phách và 6 nữ làm quân xô. Quân xô thường chỉ từ 12 - 16 tuổi.

Một chương trình biểu diễn hát múa sắc bùa thường gồm có 3 phần: Phần thủ tục ban đầu mang tính nghi lễ - phong tục, gồm hát các bài: Mở ngõ, bước vào khỏi ngõ, vào sân, tạ miếu thổ thần, mở cửa, lễ tạ ông bà…

Phần chúc nghề và múa hát giúp vui, gồm các tiết mục: chúc nghề (nghề nông, nghề làm biển, nghề chăn tằm, nghề làm thuốc…), múa hát theo các bài lý, vè (lý huê là, lý vẽ ròng, lý hoa thơm, vè cá biển…).

Phần kết có múa hát Trấn ngũ phương, Múa trình lục cúng, chúc gia chủ…

Nội dung chính của hát sắc bùa là chúc mừng năm mới cho gia chủ, làm các thủ tục xua quỷ, trừ tà, nghinh.

Hát bả trạo

Hát bả trạo còn gọi là chèo bả trạo, là một hình thức diễn xướng dân ca nghi lễ, diễn ra vào mỗi dịp tế Cá Ông, hoặc khi cá Ông lụy, là một bộ phận của nghi lễ thờ cúng Cá Ông của các vạn chài ven viển Quảng Ngãi. Hiện nay các huyện còn biểu diễn nghi lễ này là Bình Sơn, phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ).

Trình diễn hát bả trạo tại lễ ra quân nghề cá đầu năm tại Phổ Thạnh

Đội hát múa bả trạo thường có 15-17 người, trong đó có một Tổng lái, một Tổng thương, một Tổng mũi và còn lại là các con trạo.

Nội dung chính một bài bả trạo theo trình tự: Phần đầu kể về chuyện ngư dân đi làm biển, rồi bị sóng to gió lớn; khi thuyền sắp đắm, cá Ngư Ông xuất hiện và ra tay cứu giúp, đưa thuyền về nơi an toàn; phần tiếp theo là hát múa kể về công ước của Cá Ông; phần cuối là hát các bài vè, bài lý giúp vui.

Giai điệu các bài bả trạo thường được sử dụng là nói lối, hò chèo thuyền, hò kéo lưới, hò kéo neo, hò giựt chì, nam xuân, nam ai... và các bài lý; như lý tang tít, lý vãi chài... Nhờ sự tích hợp nhiều giai điệu, làn điệu, có nói lối, có hát, có múa, có diễn, trống và dàn nhạc phụ hoạ nên có thể xem hát bả trạo là một loại hình diễn xướng mang tính tổng hợp.

Theo một nghệ nhân hát bả trạo ở vạn Thạch By (Phổ Thạnh) thì hiện nay nhiều làng, vạn ven biển Quảng Ngãi còn tổ chức hát bả trạo vào dịp tế cá Ông như vạn Đông Yên (Bình Dương), vạn Tuyết Diêm (Bình Dương) của huyện Bình Sơn; riêng Đức Phổ có vạn Thạch By của phường Phổ Thạnh, hát bả trạo ở Phổ Thạnh thường được biểu diễn trong Lễ ra quân nghề cá đầu năm với mong muốn ngư dân năm mới ra khơi bội thu thủy sản, gia đình ấm no, hạnh phúc. Tuy nhiên, hiện nay còn rất ít người biết hát và tâm huyết với loại hình nghệ thuật này.

Các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian được nhiều bậc cao niên ví là hồn cốt của văn hóa địa phương, những câu hò, điệu lý, lối diễn xướng từ lâu như sợi dây vô hình cố kết cộng đồng lại với nhau, nhất là các cộng đồng ven biển. Đến thăm nghệ nhân ưu tú Võ Duy Khánh vào một ngày cuối năm, sau vài lời thăm hỏi sức khỏe, bác vội lấy tập dân ca bài chòi vừa được viết xong và ngân nga vài câu với cây đàn phím lõm. Cũng theo nghệ nhân ưu tú Võ Duy Khánh thì các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian đang dần mai một trong đời sống cộng đồng ở Quảng Ngãi nói chung và Đức Phổ nói riêng, nếu như ta không sớm có kế hoạch để bảo tồn và phát triển.

Nghệ nhân ưu tú Võ Duy Khánh  hát dân ca bài chòi với cây đàn phím lõm

Hiện nay ở Đức Phổ ba loại hình nghệ thuật này chỉ tồn tại ở một số xã ven biển, với vài người, đôi ba nhóm hát dân ca không chuyên, thể hiện mỗi dịp Tết đến Xuân về, hay Lễ ra quân nghề cá đầu năm. Riêng hát bài chòi còn được nhiều người biết hát và phổ biến hơn nhưng phần lớn là người lớn tuổi, chủ yếu là hát các làn điệu bài chòi, kịch dân ca, chứ không còn hình thức hô thai bài chòi như xưa.  Vì vậy, việc giữ gìn và phát huy các loại hình nghệ thuật dân gian là điều cần thiết, mà bắt đầu từ những nghệ nhân dân gian, bởi chỉ có nghệ nhân mới là người truyền lại cho thế hệ sau cái hồn cốt của từng loại hình nghệ thuật này một cách sinh động nhất.

Để các loại hình nghệ thuật truyền thống được bảo tồn và phát triển, thiết nghĩ cần phải tiến hành sưu tầm vốn lời các bài hát, phục dựng cách thức trình diễn cũng như mở lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ được tiếp cận nhiều hơn về các loại hình nghệ thuật này. Mở các lớp tập huấn về công tác sưu tầm các thể loại âm nhạc dân gian và có chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân dân gian lớn tuổi có niềm đam mê với các loại hình nghệ thuật này… Thành lập CLB vừa để tạo sự cố kết cộng đồng vừa là điều kiện trao truyền lại cho các thế hệ trẻ những lời bài hát cũng như cách thức trình diễn. Có như vậy thì các loại hình diễn xướng dân gian mới được phát triển lâu dài trong đời sống cộng đồng, nhất là các xã ven biển, để những giai điệu dân ca mượt mà, câu hò rộn ràng hơn khi Tết đến, Xuân về./.

Lệ Thu – Trung tâm TT-VH-TT thị xã