Truy cập nội dung luôn

Di tích Địa điểm Chiến thắng Quay Mỏ

12/04/2022 09:54    3059

Di tích Địa điểm Chiến thắng Quay Mỏ thuộc thôn Nga Mân, xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ, cách trung tâm Thành phố Quảng Ngãi khoảng 43km về phía Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Phổ Cường nằm trong vùng tiếp giáp giữa đồng bằng với căn cứ miền núi. Với 3 mặt giáp núi rừng, xã Phổ Cường có điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng nơi đây thành căn cứ địa vững chắc cho phong trào cách mạng của huyện Đức Phổ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Sau khi chiến lược “tố cộng, diệt cộng” bị phá sản, Mỹ - Diệm chuyển sang chiến lược Chiến tranh đặc biệt. Chúng đề ra kế hoạch Stalây - Taylo, bình định miền Nam trong vòng 18 tháng bằng các biện pháp quân sự, chính trị nhưng biện pháp quân sự là chủ yếu nhằm gom dân lập ấp chiến lược. Địch lấy Quảng Ngãi làm nơi thí điểm kế hoạch gom dân lập ấp và bắt đầu rào ở những khu vực trọng điểm để ngăn cách đồng bằng với miền núi.

Trước tình hình đó, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy: “Đẩy mạnh hoạt động vũ trang, mở dân ở đồng bằng, phát triển và củng cố miền Tây, đánh bại âm mưu càn quét lấn chiếm, dồn dân lập ấp chiến lược” của địch và sự chỉ đạo của Huyện ủy Đức Phổ, chi bộ xã Phổ Cường đã phát động và lãnh đạo nhân dân nổi dậy đấu tranh chống địch gom dân lập ấp chiến lược.

Hoảng sợ trước phong trào cách mạng đang lên tại Phổ Cường, địch sử dụng đại đội Bảo an từ quận lỵ Đức Phổ vào Phổ Cường để càn quét, đàn áp nhân dân, lùng bắt cơ sở cách mạng và dập tắt các cuộc nổi dậy của quần chúng. Sau khi phán đoán được ý định càn quét vào thôn Nga Mân của địch, Ban chỉ huy trận đánh (gồm Đại đội 219 của huyện Đức Phổ và đội vũ trang công tác của xã Phổ Cường) cùng trinh sát đi kiểm tra thực địa, xây dựng phương án và kế hoạch phối hợp tác chiến, đồng thời sử dụng lực lượng và bố trí đội hình đánh địch làm nên chiến thắng Quay Mỏ vào ngày 22/02/1961.

Sau khi hoàn thành mọi công tác chuẩn bị vật chất, chuẩn bị chiến trường, và giao nhiệm vụ cho tổ trinh sát theo dõi hoạt động hành quân của địch, 17 giờ 30 phút ngày 22/02/1961, toàn bộ lực lượng đã được triển khai vào các vị trí giấu quân, chờ địch đến tiêu diệt.

18 giờ cùng ngày, tổ trinh sát báo cáo địch từ Quốc lộ 1A theo đường liên thôn đang hành quân vào xóm Bà Cai, thôn Nga Mân -  nơi ta bố trí trận địa phục kích. Chúng đi rất đông khoảng gần 100 tên và chia thành nhiều toán tiến vào xóm Bà Cai. Khi toán lính đi đầu của địch đến cầu Bà Cai, cách vị trí giấu quân của Trung đội 1 khoảng 15m, toàn bộ đội hình địch lọt vào trận địa phục kích của ta. Lệnh nổ súng tiến công được truyền đi bằng tiến súng tiểu liên. Từ trong các bờ hào ấp chiến lược ở rìa xóm, các chiến sĩ trung đội 1 đồng loạt nổ súng xuất kích, đánh mãnh liệt vào đội hình địch. Bị đánh bất ngờ ở mặt chính diện, hàng ngũ rối loạn, địch hoảng hốt chạy tán loạn ra hai bên lề đường nhưng không có chỗ dựa nên địch không thể củng cố ngay được đội hình chống cự và cơ động binh khí, hỏa lực tiếp ứng cho nhau. Chúng đã lâm vào thế trận của ta. Liền đó, từ ruộng đồng Quay Mỏ ở phía đông, Trung đội 2 xuất kích đánh thúc vào sườn trái đội hình địch. Tiếp đó là từ suối Nga Mân ở phía tây, Trung đội 3 đánh cấp tập vào sườn phải đội hình địch. Ba mũi tiến công của ta đồng loạt xung phong đánh mãnh liệt vào đội hình địch đang tán loạn. Phần lớn quân địch bị tiêu diệt tại ngã ba đường liên thôn Nga Mân – Thanh Sơn. Số còn lại tháo chạy ra đường ray xe lửa ở phía bắc, bị đội vũ trang công tác chặn đánh tiêu diệt một số tên và truy kích chúng chạy ra Quốc lộ 1A.

Sau 30 phút chiến đấu vô cùng anh dũng, với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, ta đã đánh thiệt hại nặng đại đội Bảo an của địch, diệt 40 tên trong đó có tên đại đội trưởng Nguyễn Văn Giới và tên đại đội phó Lê No, thu nhiều vũ khí.

Trận đánh Quay Mỏ tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, đánh bại âm mưu càn quét của địch, hỗ trợ đắc lực cho phong trào đấu tranh chính trị tại Phổ Cường. Đây là chiến công đầu tiên của lực lượng vũ trang huyện Đức Phổ trong kháng chiến chống Mỹ, đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng vũ trang huyện và đội vũ trang công tác xã Phổ Cường. Chiến thuật phục kích được vận dụng trong trận đánh Quay Mỏ là đánh gần với phương châm bí mật bất ngờ làm cho địch không kịp trở tay đối phó, trong chiến đấu thể hiện được cách đánh nhanh, vận động nhanh, đạt được hiệu suất chiến đấu cao.

Đặt trong bối cảnh những năm 1960-1961, thắng lợi của trận Quay Mỏ không chỉ có ý nghĩa khích lệ, cổ vũ tinh thần khơi dậy niềm tin, ý chí quyết tâm chiến đấu và chiến thắng của lực lượng vũ trang huyện Đức Phổ, mà còn góp phần vào những trang ngời sáng trong buổi khởi đầu của lịch sử lực lượng vũ trang huyện Đức Phổ anh hùng, làm rạng rỡ thêm truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân Đức Phổ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trận đánh Quay Mỏ là trận đánh diệt nhiều lính địch, thu được nhiều súng trang bị cho lực lược vũ trang của ta, nhất là trong điều kiện ta chưa có xưởng quân giới chế tạo vũ khí và miền Bắc cũng chưa chuyển được vũ khí vào chiến trường miền Nam.

Di tích Địa điểm chiến thắng Quay Mỏ còn là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ và nhân dân địa phương, nhất là thế hệ trẻ. Di tích địa điểm chiến thắng Quay Mỏ đã được UBND tỉnh ra quyết định bảo vệ tại Quyết định số 1881/QĐ-UB ngày 25 tháng 10 năm 1993 và được UBND tỉnh Quảng Ngãi xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh tại Quyết định số 183/QĐ-UBND ngày 02/02/2021./.

Hoài Tâm – Trung tâm TT-VH-TT thị xã Đức Phổ