Truy cập nội dung luôn

Đồng chí Võ Trung Thành: Một đời cống hiến cho Đảng, cho dân

10/04/2024 14:25    705

Đồng chí Võ Trung Thành, bí danh Năm Vinh, sinh ngày 14/4/1924 tại vùng quê giàu truyền thống cách mạng thôn Thủy Thạch, xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ (nay là thị xã Đức Phổ), tỉnh Quảng Ngãi.

Sinh ra trong gia đình nông dân có truyền thống yêu nước, đồng chí tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1940. Năm 1941, bị giặc lùng bắt, đồng chí phải bỏ học ở Huế vào Lâm Đồng làm công nhân đường sắt tại thành phố Đà Lạt. Năm 1944, đồng chí trở về quê hương, tiếp tục hoạt động cách mạng. Cuối năm 1944, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản, tham gia Mặt trận Việt Minh và phong trào kháng Nhật cứu nước. Tháng 5-1945, đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Việt Minh Tổng, Ủy viên quân sự Ủy ban nhân dân cách mạng Tổng Phan Bằng.

Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí tham gia giành chính quyền tại huyện Đức Phổ. Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí làm Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền, Huyện ủy viên Huyện ủy Đức Phổ, Bí thư chi bộ cơ quan. Tháng 01-1948, đồng chí được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Phó Bí thư, sau đó giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Đức Phổ. Trong thời gian này, cùng với Đảng bộ huyện, đồng chí đã lãnh đạo phong trào cách mạng toàn huyện đạt nhiều thành tích trong xây dựng chính quyền cách mạng, lực lượng vũ trang, lao động sản xuất và phát triển văn hóa - giáo dục, đồng thời tích cực đóng góp nhân tài, vật lực cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Từ tháng 02-1949, đồng chí được bổ sung vào Tỉnh ủy, phụ trách Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Từ tháng 11-1949, đồng chí được điều động lên Tây Nguyên, lần lượt giữ các chức vụ: Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Bí thư Ban Cán sự tỉnh Kon Tum; Ủy viên Thường vụ Ban Cán sự tỉnh Gia - Kon (gồm 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum), Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy; Phó Chánh Văn phòng Liên khu ủy 5; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức, Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Gia Lai; Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 120. Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đồng chí được phân công ở lại miền Nam hoạt động, làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai. Đến tháng 12-1954, đồng chí là Bí thư Tỉnh ủy và là Ủy viên Thường vụ liên tỉnh 4 gồm 3 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc. Năm 1960, đồng chí được cử tham gia Đoàn đại biểu miền Nam dự Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ III tại Hà Nội. Năm 1961, đồng chí trở về miền Nam tiếp tục hoạt động cách mạng, là Ủy viên Ban Chấp hành Khu ủy 5, phụ trách Ban Miền núi; Bí thư Tỉnh ủy Đắc Lắc (B3 bao gồm 4 huyện: MDrak, Đông Cheo Reo, Tây Cheo Reo và Buôn Hồ). Trong những năm 1967 - 1968, đồng chí là Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, tham gia chỉ đạo chiến dịch Tổng tấn công nổi dậy tết Mậu Thân 1968. Sau chiến dịch Xuân 1968, đồng chí là Khu ủy viên, Bí thư Đảng ủy kiêm Chính ủy mặt trận Bình Định, sau đó làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chính ủy mặt trận Trung Tây Nguyên. Từ năm 1969 đến năm 1972, đồng chí là Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk. Cuối năm 1972, đồng chí bị ốm nặng, được ra miền Bắc và sang Cộng hòa Dân chủ Đức chữa bệnh. Khi sức khỏe hồi phục, đồng chí trở về miền Nam, tham gia chỉ đạo chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk và Tây Nguyên. Sau ngày giải phóng, từ tháng 9-1975 đến tháng 4-1982, đồng chí giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (1982), đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Bộ Chính trị phân công giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Nghĩa Bình từ tháng 5-1982.

Hơn 40 năm hoạt động cách mạng, trải qua nhiều cương vị lãnh đạo ở Khu ủy 5, là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư nhiều tỉnh miền Trung - Tây Nguyên như: Nghĩa Bình, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, ở cương vị nào, được phân công nhiệm vụ nào, đồng chí Võ Trung Thành đều toàn tâm, toàn ý phục vụ cách mạng, lãnh đạo phong trào cách mạng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành thắng lợi cuối cùng. Với tinh thần nhiệt huyết, sáng tạo, quyết đoán, đồng chí đã trở thành người lãnh đạo có kinh nghiệm trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như công cuộc xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước. Ghi nhận xứng đáng những công lao và cống hiến to lớn của đồng chí trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, Đảng và Nhà nước đã 2 lần tặng thưởng đồng chí Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Đảng bộ, Nhân dân Đức Phổ, nơi đồng chí Võ Trung Thành sinh ra, mãi tưởng nhớ và tự hào về đồng chí Võ Trung Thành, nhà lãnh đạo kiên trung, người con ưu tú của quê hương Đức Phổ anh hùng. Học tập, noi gương đồng chí và các bậc tiền bối tiêu biểu; đồng thời, phát huy truyền thống yêu nước, cùng với ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, hơn 49 năm qua, kể từ khi đất nước hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ và Nhân dân huyện Đức Phổ (nay là thị xã Đức Phổ) đã nỗ lực vượt lên khó khăn, thử thách, mạnh dạn đề xuất nhiều chủ trương, quyết sách mang tính đột phá, mở đường cho kinh tế - xã hội phát triển. Đức Phổ đã ghi dấu ấn của mình khi trở thành thị xã Đức Phổ gồm 08 phường và 07 xã; tất cả các xã đều đã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 01 xã đạt nông thôn mới nâng cao đã góp phần thay đổi diện mạo của địa phương cũng như nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Võ Trung Thành là dịp để các thế hệ hôm nay ôn lại cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và công lao to lớn lao của đồng chí.  Đảng bộ và Nhân dân thị xã Đức Phổ tự hào là nơi đã sinh ra người con ưu tú của Đảng và càng thêm tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh - đã luyện rèn nên người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo có uy tín lớn. Đồng chí Võ Trung Thành là tấm gương sáng để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Đức Phổ noi theo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm giành nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm xây dựng quê hương Đức Phổ nói riêng và Quảng Ngãi nói chung ngày càng văn minh, giàu đẹp./.

Thúy Yến – Trung tâm TT-VH-TT thị xã Đức Phổ