Truy cập nội dung luôn

Di tích Mộ và Nhà thờ chí sĩ yêu nước Phan Long Bằng

03/06/2022 14:23    1356

Di tích Mộ và Nhà thờ chí sĩ yêu nước Phan Long Bằng thuộc thôn Thanh Sơn, xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ.

Phan Long Bằng hiệu là Song Nguyệt, sinh ngày 14/5/1885, tức ngày 01/4 năm Ất Dậu tại làng Thanh Sơn, tổng Phổ Vân, nay thuộc thôn Thanh Sơn, xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ. Cụ xuất thân trong một gia đình nhà Nho nghèo, thân sinh là nhà nho Phan Long Thắng, tục gọi là ông tú Bồ (chữ hay đựng một bồ).

Phan Long Bằng mồ côi cha từ sớm, phải đi ở cho bà con. Đến khoảng năm 13 tuổi mới được về ở với mẹ, cụ vừa học chữ Hán vừa kiếm sống nuôi mẹ. Năm 1905, Phan Long Bằng đã lều chõng vào trường thi Bình Định để ứng thí và được xếp vào loại ưu ở trường hai.

Năm 1906, trong khi Phan Long Bằng sửa soạn thi vào trường ba (kỳ thi Hương năm Bính Ngọ) ở Bình Định cũng là lúc Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp,... vào gặp Lê Đình Cẩn vận động phong trào Duy Tân, trong đó có tuyên truyền tẩy chay kỳ thi Hương này. Phan Long Bằng đã viết trong bài thi những bài thơ có nội dung yêu nước rồi bỏ trường thi trở lại quê nhà.

Sau khi trở về quê, cụ tham gia vào Hội Duy Tân Quảng Ngãi do Lê Đình Cẩn khởi xướng và trở thành thành viên hoạt động tích cực trong tổ chức này. Phan Long Bằng ra sức học chữ Quốc ngữ, Pháp văn, toán học, khoa học thường thức để nâng cao trình độ và đem những điều tốt đẹp từ học vấn giúp đồng bào mình. Để phục vụ cho phong trào “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, Phan Long Bằng mở trường dạy học ở chợ Cung (nay thuộc thôn Thuỷ Thạch, xã Phổ Cường) để dạy cho thanh thiếu niên trong vùng với mục đích truyền bá chữ Quốc ngữ, kiến thức khoa học vừa kêu gọi tinh thần tự tôn dân tộc, bồi đắp, di dưỡng ý chí phục quốc cho các học trò. Bên cạnh việc dạy học, Phan Long Bằng còn làm nhiều thơ ca, hò vè, tuồng... để không chỉ đả kích bọn quan lại, cường hào, tay sai mà còn khơi dậy trong Nhân dân lòng căm thù và ý thức phản kháng đối với thực dân Pháp và bọn quan lại, cường hào, tay sai trong tỉnh. Cũng trong thời gian này, Tỉnh hội Duy Tân - Quảng Ngãi cử Phan Long Bằng vào Bình Định hỗ trợ các thành viên ở đây khuấy động phong trào Duy Tân. Cụ còn tích cực tham gia hoạt động, liên kết được sức mạnh tập thể trong Nhân dân, đặc biệt là tương trợ, hợp tác chặt chẽ giữa hai tỉnh Quảng Ngãi - Bình Định.

Tháng 3/1908, quá bức xúc vì sưu cao, thuế nặng, vì tham quan ô lại, Nhân dân khắp các tỉnh Trung Kỳ, quyết liệt nhất là ở hai tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam đã biểu tình đòi giảm sưu thuế. Nhận thấy phong trào đấu tranh trong tỉnh đang dâng lên mạnh mẽ và quyết liệt, nếu không phát động được phong trào các tỉnh lân cận cùng nổi lên để tạo liên kết trong đấu tranh chống sưu thuế chung thì phong trào đấu tranh của nông dân Quảng Ngãi sẽ bị cô lập và đàn áp. Ngày 03/4/1908, các nhà lãnh đạo Duy Tân họp bàn và cử Phan Long Bằng, Lê Đình Cơ đi phát động phong trào ở Bình Định, Phú Yên cùng nổi dậy chống sưu thuế.

Ngày 16/4/1908, Nhân dân các huyện Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn, An Khê, Tuy Phước... đã kéo về bao vây tỉnh thành Bình Định, số người tham gia lúc đầu khoảng 1.000 người, đến ngày 18/4/1908, số người lên đến 10.000 người. Từ kinh nghiệm đấu tranh vây thành của nông dân Quảng Ngãi, Phan Long Bằng cùng những người lãnh đạo phong trào đã tổ chức chia quần chúng nhân dân thành 3 lớp vây thành. Hoảng sợ trước khí thế đấu tranh của Nhân dân Bình Định, thực dân Pháp đã ra lệnh điều động lực lượng quân chính quy gồm hai đại đội vào Trung Kỳ chi viện. Chúng đưa quân lính đến đàn áp, bắt bớ những người cầm đầu phong trào ở Bình Định. Phan Long Bằng bị bắt giam khi đang lãnh đạo khoảng 4.000 người là lực lượng chủ lực, có nhiệm vụ bao vây cửa Đông thành Bình Định. Bắt được Phan Long Bằng, kẻ thù dùng mọi thủ đoạn từ dụ dỗ, mua chuộc đến đánh đập, tra tấn dã man nhưng Phan Long Bằng vẫn giữ vững khí tiết của một chí sĩ yêu nước, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cứu nước, cứu dân. Không khuất phục được Phan Long Bằng, kẻ thù đem cụ ra xử chém và bêu đầu tại cửa đông thành Bình Định vào tháng 4/1908.

Với lòng kính trọng và mến tiếc người chí sĩ yêu nước kiên cường Phan Long Bằng, các sĩ phu và Nhân dân hai tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi đã làm lễ truy điệu, có nơi còn lập miếu thờ, các sĩ phu Bình Định còn sáng tác thơ, liễn, đối để điếu hương hồn ông, trong đó có câu:

“Hoa cỏ Thanh Sơn thơm khí tiết

Trăng nước sông Trà rạng nghĩa nhân”

Sau khi Phan Long Bằng bị xử chém, thi hài ông được Nhân dân Bình Định chôn cất, hương khói thường xuyên. Đến khoảng những năm 30 của thế kỷ XX mộ Phan Long Bằng được cháu là ông Phan Long Mý cùng bà con họ hàng dời về và chôn cất tại quê nhà tại gò Di Đồng Mới thuộc Liên gia 22, thôn Thanh Sơn, xã Phổ Cường.

Trải qua thời gian và chiến tranh tàn phá, mộ và nhà thờ Phan Long Bằng đã bị hư hại, xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2017, Mộ và Nhà thờ cụ Phan Long Bằng được UBND thị xã Đức Phổ đầu tư tôn tạo với kinh phí 1,5 tỷ đồng.

Hàng năm, đến ngày 11 tháng 5 Âm lịch (ngày dời mộ Phan Long Bằng từ Bình Định về chôn cất tại quê nhà), con cháu trong họ đều tổ chức cúng giỗ ông một cách tôn nghiêm và trang trọng.

 

Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh Mộ và nhà thờ Phan Long Bằng vào ngày 29/6/2012

Di tích mộ và nhà thờ Phan Long Bằng là nơi tưởng niệm, thờ phụng một chí sĩ yêu nước đã có nhiều đóng góp to lớn trong phong trào Duy Tân, “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” ở Quảng Ngãi và là một trong những vị lãnh đạo đóng vai trò quan trọng trong phong trào cự sưu kháng thuế nổ ra ở Bình Định năm 1908. Di tích đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh tại Quyết định số 827/QĐ-UBND ngày 01/6/2012./.

Hoài Tâm – Trung tâm TT-VH-TT thị xã Đức Phổ

Tài liệu đính kèm: DT MO VA NHA THO PHAN LONG BANG .doc

Tin liên quan