Truy cập nội dung luôn

Di tích lịch sử Mộ chí sĩ yêu nước Nguyễn Tuyên (thân sinh đồng chí Nguyễn Nghiêm)

24/01/2022 07:24    1728

Di tích Mộ chí sĩ yêu nước Nguyễn Tuyên tọa lạc trên khu đất nghĩa địa của dòng họ Nguyễn, thuộc địa danh Gò Sim, thôn Tân Phong, xã Phổ Phong, thị xã Đức Phổ.

Đây là nơi an nghỉ, lưu danh nhà lãnh đạo, tiêu biểu của phong trào Duy Tân và phong trào Cự sưu khất thuế chống thực dân Pháp xâm lược, giải phóng dân tộc của nhân dân Quảng Ngãi trong những năm đầu thế kỷ XX. Đây cũng là nơi yên nghỉ của một tri thức nho học uyên thâm, nhà yêu nước có uy tín, đã có công sinh thành và nuôi dạy cho quê hương đất nước một chiến sĩ kiên cường, người Bí thư đầu tiên tài năng và cực kì dũng cảm của Đảng bộ Quảng Ngãi – đồng chí Nguyễn Nghiêm.

Cụ Nguyễn Tuyên (nhân dân thường gọi là cụ Tú Tuyên hay Tú Toản), sinh năm Kỷ Tỵ 1869 trong một gia đình thuộc loại thượng gia hạ điền tại làng Tân Hội nay là thôn Tân Phong, xã Phổ Phong. Cụ là người khí khái, khinh ghét thực dân Pháp và đám tay sai. Sau khi thi đỗ tú tài, cụ được Nam Triều mời ra làm quan nhưng cụ không đi, sống ở quê nhà dạy học và làm thuốc bắc.

Năm 1896, cụ Nguyễn Tuyên tham gia cuộc vận động cứu nước do ông Trần Du lãnh đạo với bản doanh được đặt tại làng Hùng Nghĩa, xã Phổ Phong. Nhưng cuộc vận động bị thực dân Pháp phát hiện và đàn áp. Nguyễn Tuyên và các nhà yêu nước chuyển hướng chủ trương cứu nước theo con đường dân chủ tư sản do cụ Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu đề xướng. Họ thành lập Hội Duy Tân năm 1906 và phát động phong trào “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Cụ Nguyễn Tuyên đã tích cực hoạt động trong phong trào Duy Tân và trở thành một trong những nhà lãnh đạo tiêu biểu của phong trào Duy Tân và phong trào chống thuế ở Quảng Ngãi. Cụ tiên phong trong việc thực hiện chủ trương cải cách, đổi mới của hội như cắt bỏ búi tóc, mặc áo ngắn bằng vải nội, đội mũ nỉ thay dù, đi giày hạ thay guốc, bỏ áo dài khăn đóng, ăn ở theo lối sống văn minh, dùng đồ nội,… Cùng với việc biến trường học của mình thành nơi giáo dục, tuyên truyền và thực hiện chủ trương cải cách, đổi mới của Hội Duy Tân, Nguyễn Tuyên dành nhiều công sức trong việc đào tạo học trò của mình thành những cốt cán của phong trào. Cụ Nguyễn Tuyên đã góp phần phổ biến chủ trương cải cách Duy Tân trong các tầng lớp nhân dân để được người dân đồng tình và thực hiện.

Để phối hợp với phong trào chống sưu thuế trong tỉnh, ngày 27/3/1908, cụ trực tiếp lãnh đạo cuộc biểu tình của nông dân Đức Phổ kéo về tỉnh thành Quảng Ngãi đấu tranh, đưa yêu sách, đòi giảm sưu thuế và kéo dài cho đến đầu tháng 4/1908.

Ngày 02/4/1908, phong trào chống sưu thuế ở Quảng Ngãi đã dâng cao lôi cuốn tới 10 vạn người từ các phủ, huyện trong tỉnh kéo về tỉnh thành đấu tranh đòi thực hiện yêu sách, bãi bỏ sưu thuế. Hoảng sợ trước sức mạnh của phong trào lại được dẫn dắt của lãnh đạo hội Duy Tân, tên công sứ Đô-đê và tay sai phong kiến sử dụng quân đội và súng đạn để đàn áp phong trào trong biển máu. Nguyễn Tuyên cùng nhiều sĩ phu khác bị bắt và đưa đi đày ở các nhà lao trong nước với mức án tù từ 09 năm đến chung thân.

 

Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh Mộ chí sĩ yêu nước Nguyễn Tuyên đã được trao cho lãnh đạo huyện Đức Phổ tại Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh  đồng chí Nguyễn Nghiêm (08/10/2014)

Những năm tháng bị giam cầm đày ải trong ngục tù đế quốc, dù bị kẻ thù dùng mọi thủ đoạn từ dụ dỗ, mua chuộc đến tra tấn, hành hạ nhưng Nguyễn Tuyên vẫn giữ vững khí tiết của một nhà nho, lòng trung thành tuyệt đối của nhà chí sĩ, lạc quan tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc. Năm 1917, cụ Nguyễn Tuyên ra tù, tiếp tục nghề dạy học và làm thuốc Bắc. Do bị cầm tù nhiều năm, sống đói khổ, thiếu thốn lại bị kẻ thù tra tấn hành hạ khiến ông bị suy kiệt về sức khỏe. Cụ lâm bệnh và qua đời năm 1924. Thi hài cụ được an táng tại Gò Sim thuộc làng Tân Hội, nay là thôn Tân Phong, xã Phổ Phong. Hiện nay, chí sĩ yêu nước Nguyễn Tuyên được thờ cúng chung với ông bà tại Nhà thờ họ Nguyễn (bên cạnh Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Nghiêm. Phần mộ tọa lạc trên khu đất nghĩa địa của dòng họ Nguyễn, cách nhà lưu niệm Nguyễn Nghiêm 80m về phía đông, được con dâu là bà Huỳnh Thị Hồng Hà đứng ra tu bổ, tôn tạo lại vào năm 1988 với chất liệu bằng gạch, xi măng.

Lòng yêu nước, đức tính khảng khái và cuộc sống thanh bạch của cụ đã ảnh hưởng đến lớp học trò và nhân dân trong làng, đặc biệt có ảnh hưởng đối với con trai duy nhất, đó là đồng chí Nguyễn Nghiêm, Bí thư đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi.

Cuộc đời và sự nghiệp của cụ Tú Tuyên là cuộc đời của một tri thức nho học đã có những đóng góp nổi bật vào phong trào Cần Vương ở giai đoạn cuối và phong trào Duy Tân, chống sưu khất thuế của nhân dân Quảng Ngãi. Cuộc đời và sự nghiệp của cụ là tấm gương sáng để thế hệ hôm nay và mai sau trân trọng, biết ơn và noi theo.

Để tưởng nhớ, tôn vinh chí sĩ yêu nước Nguyễn Tuyên, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh Mộ chí sĩ yêu nước Nguyễn Tuyên tại Quyết định số 1323/QĐ-UBND ngày 18/9/2014./.

Hoài Tâm-Trung tâm TT-VH-TT

Tài liệu đính kèm: MO CSYN NGUYEN TUYEN.doc

Tin liên quan