Truy cập nội dung luôn

Đại đội Lê Thị Hồng Gấm: những cô gái anh hùng

25/02/2022 16:16    1428

Chiến tranh đã lùi xa nhưng trong ký ức của những người nữ chiến sĩ Hồng Gấm năm xưa, một thời hoa lửa ấy vẫn còn vẹn nguyên. Sau 50 năm thành lập và chiến đấu hết mình vì Tổ quốc, vì Nhân dân, Đại đội nữ Hồng Gấm luôn là niềm tự hào của người dân Đức Phổ, Quảng Ngãi và là nỗi khiếp sợ của quân thù…

Trong những năm chiến tranh, Đức Phổ là vùng đất cách mạng, là cửa ngõ cung ứng lương thực, thuốc men cho kháng chiến. Vì thế, kẻ địch tìm đủ mọi cách đánh chiếm bằng được Đức Phổ để làm bàn đạp tấn công phong tỏa đường tiếp tế vào căn cứ quân ta ở phía tây Quảng Ngãi, chia cắt chiến trường Khu V.

 

Cuối năm 1971 đầu 1972 là thời điểm chiến tranh diễn ra hết sức khốc liệt, có thời gian quân số của ta chỉ còn được vài chục người. Trước tình cảnh khó khăn đó, năm 1972, Huyện ủy Đức Phổ đã có sáng kiến tổ chức “Trại Xuân” kêu gọi, động viên thanh niên lên đường nhập ngũ chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Thật bất ngờ, trong đợt “Trại Xuân” này, không chỉ có nam thanh niên mà còn có rất nhiều cô gái tuổi đời còn rất trẻ, tình nguyện xung phong ra chiến trường.

Ngày 22-02-1972, tại khu rừng dưới chân dốc Ba Hầm, Đại đội nữ Lê Thị Hồng Gấm chính thức được thành lập. Đây là Đại đội nữ bộ binh duy nhất của Quảng Ngãi và cả Quân khu V. Sau 02 tháng kể từ ngày thành lập, Đại đội đã có 60 cô gái tham gia, hầu hết tuổi đời chỉ từ 15 đến 20, trẻ trung, hồn nhiên, nghịch ngợm nhưng khi đứng vào hàng ngũ thì luôn tôn trọng kỷ luật và chiến đấu hơn cả mạng sống của mình. Bà Ngô Thị Đường - nguyên Đại đội phó Đại đội Hồng Gấm bồi hồi kể lại: “Ban đầu chị em chúng tôi còn rất bỡ ngỡ, nhưng xuất phát từ gia đình cách mạng, đặc biệt được sự giáo dục của Huyện ủy Đức Phổ và Huyện đội Đức Phổ cùng lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc nên sau hơn một tháng vừa học chính trị, vừa huấn luyện quân sự thì từ những chị em xa lạ, chúng tôi đã trở thành một khối thống nhất về ý chí cũng như hành động và coi nhau như chị em ruột thịt một nhà”.

Những cô gái ở lứa tuổi trăng tròn mang theo mình hành trang là lòng dũng cảm, sục sôi ý chí quét sạch giặc xâm lăng. Các cô gái trong Đại đội là một đội hình chiến đấu ngoan cường và đầy bản lĩnh. Trong nhiều trận đánh, họ đã ngâm mình dưới nước hàng giờ đồng hồ, mặc cho trời lạnh buốt và bị đỉa cắn rát người, nhưng vẫn đợi địch đến, bất ngờ đồng loạt đánh úp, khiến địch không kịp trở tay. Trong hàng trăm trận đánh phối hợp và hàng chục trận đánh độc lập, có hai trận đánh phối hợp và độc lập kéo dài cả tháng trời, chị em phải giữ chốt điểm, đánh địch giáp mặt. Đó là trận đánh ở Nga Mân, xã Phổ Cường và trận chiến đấu một mất một còn tại hai xã Phổ Thuận, Phổ Ninh. Những ngày đó, chị em phơi mình trong nắng, trong mưa, căng mình đối đầu với  quân địch càn quét. Bà Ngô Thị Đường - nguyên Đại đội phó Đại đội Hồng Gấm nhớ lại: “Đạn dược thì ít, có trận chỉ được trang bị 20 viên nên chị em dặn nhau “bóp cò cú nào là phải chắc cú đó”, chứ địch đến gần mà hết đạn thì nguy”. Quả cảm là thế, anh hùng là thế, nhưng trong chiến tranh với mưa bom, bão đạn thì sẽ không tránh khỏi những mất mát, hi sinh. Và trong quá trình chiến đấu, 07 chị đã ngã xuống tại chiến trường, các chị còn lại, không một chị nào trong Đại đội là không bị thương.

 

Sau giải phóng, Đại đội giải thể, mỗi chị một nơi, đa số các chị trở về với mảnh đất mà mình đã ra đi từ thuở thanh xuân. Cái duy nhất mà các chị mang về là những vết thương hằn trên da thịt và những ký ức oanh liệt về một thời hoa lửa. Và chính ký ức đẹp đẽ đó đã phần nào xoa dịu những nỗi đau mà các chị phải chịu đựng mỗi khi trái gió trở trời và rồi các chị lại tiếp tục cống hiến hết mình trong công cuộc xây dựng quê hương đất nước. Ngày lại ngày, các chị lại trồng rau, nuôi cá, vui vầy cùng con cháu. Dạy dỗ khuyên bảo các con làm ăn, sản xuất, bảo ban con cháu học hành…

Với thành tích hơn 3 năm chiến đấu, đơn vị đã được Nhà nước tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công hạng 3; Phụ nữ Liên khu 5 tặng 2 Cờ Quyết thắng. Tháng 02 năm 2010, Đại đội đã vinh dự được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Đức Phổ nói chung và là niềm vinh dự, tự hào của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị Hồng Gấm nói riêng.

Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, sau khi rời quân ngũ, mặc dù các chị đều mang đầy thương tích, bệnh tật nhưng vẫn luôn phấn đấu, học tập, công tác, lao động sản xuất ổn định cuộc sống để góp sức cùng địa phương giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và đều là những cựu chiến binh gương mẫu, không có chị em nào rơi vào hoàn cảnh nghèo đói.

 

Giờ đây, mỗi dịp vào ngày kỷ niệm thành lập Đại đội hay các ngày lễ lớn, các chị còn lại trong Đại đội nữ anh hùng Hồng Gấm năm xưa vẫn thường tề tựu bên nhau. Họ trao cho nhau những cái ôm thắm tình, những lời động viên, sẻ chia bộn bề trong cuộc sống và cùng nhau ôn lại những ngày tháng oanh liệt, hào hùng một thời của Đại đội nữ anh hùng...

Thúy Yến